Chuyện phiêu lưu của thầy ký TôKyBây – Truyện cổ tích Nhật Bản

Ngày xưa có một thương gia rất giàu, đến nỗi các ông hoàng thế lực nhất trong vương quốc cũng đến mượn tiền của ông ta. Trong nhà ông, cái nhà lớn nhất trong thành phố, ông thương gia trưng bày những đồ quí hiếm nhất và đẹp nhất: các tủ trong nhà đều chất đầy vải vóc lụa là quí giá, dệt rất đẹp, mịn màng đến nỗi sờ vào thấy êm dịu cả tay; tiền vàng đầy tủ không đếm xuể; tóm lại trong nhà ông thương gia này không thiếu gì hết. Trên bàn ăn luôn luôn có những thứ cao lương mỹ vị. Để pha trà, hàng ngày phải dùng đến nước của một nguồn suối trong mát nằm cách nhà ông đến nửa ngày đường.

Lúc nào cũng thấy ông thương gia tốt bụng, vui vẻ, thoải mái. Công việc buôn bán ngày càng phát đạt, đem so với mọi người thì không có ai sung sướng hơn ông. Nhưng cái huy chương nào cũng có mặt trái của nó, cho nên, người thương gia này cũng có nỗi buồn kín đáo. Người con trai duy nhất của ông – KiHâyDi (Kiheiji) là một chàng trai xinh đẹp, có tư cách tuyệt vời và được giáo dục hẳn hoi; nhưng, mặc dù muốn gì được nấy và không có bệnh hoạn gì nhưng anh vẫn sống khép kín, không gắn bó thân mật với ai hết. Chắc là anh có theo vui chơi với các bạn bè đồng trang lứa, khi thì trong các đấu trường, khi thì trong các hí trường, khi cha anh muốn hay bạn bè nài ép, anh cũng cùng họ đến nhà hàng ăn một bữa cơm ngon hay uống một cốc rượu gạo thơm nồng, thế nhưng không bao giờ anh cười và khuôn mặt xanh xao của anh luôn biểu lộ cho người ta thấy được một nỗi buồn mênh mông. Các thanh niên thường mời anh, vì anh là một chàng trai được mọi người trong thành phố trọng vọng và luôn luôn chi tiền cho họ; nhưng tựu trung thì khi nào anh hăng hái bình luận về một vấn đề gì đó, họ mới thấy hài lòng, vì khi đó anh không còn buồn rầu.

Người cha rất lo cho tính khí khó chịu của con. – “Khi mình không còn nữa thì nó sẽ làm gì và làm sao điều hành công việc kinh doanh. KiHâyDi không quan tâm gì hết và tính tình trầm mặc của nó sẽ làm mất khách hàng. Cái gì sẽ xảy đến, công việc kinh doanh của ta sẽ ra sao đây?

Người thương gia giàu có thường nghĩ như thế, nhưng ông ta không biết làm sao khơi dậy được niềm vui sống trong lòng con trai. Mỗi khi cha la mắng, KiHâyDi lễ phép lắng nghe, răm rắp làm theo lời cha dạy, nhưng vẫn không vui vẻ hơn tí nào hết. Trong cùng khu phố với người thương gia này có một thương gia khác. Mặc dù công việc làm ăn của ông này ít phát đạt hơn, nhưng ông ta thật thà, thông minh và được mọi người kính nể. Khi ông còn sức khoẻ, gia đình không thiếu gì. Họ sống khiêm

nhường nhưng sung sướng, và người con trai duy nhất được giáo dục tốt. Nhưng một hôm, ông ta ngã bệnh, và chỉ một thời gian sau, ông nằm dưới ba tấc đất. Bà vợ không biết gì về chuyện buôn bán, chẳng mấy chốc bà cạn tiền và nuôi không nổi TôKuBây (ToLouBei). Tới khi TôKuBây đến tuổi trưởng thành, anh phải thôi học để kiếm việc làm nuôi bản thân và mẹ già. Khi đi tìm việc, anh đến nhà của người thương gia giàu có nọ. Thấy chàng thanh niên lanh lợi, ông ta hài lòng, và vì cũng quen biết gia đình anh, nên ông nhận TôKuBây vào làm việc. TôKuBây làm việc chăm chỉ, cẩn thận và có năng lực đến độ người thương gia giàu giao hết cho anh tất cả sổ sách về kế toán, và sau một thời gian, ông giới thiệu anh với gia đình. Ông lại càng gắn bó mật thiết với anh hơn nữa khi thấy anh lôi cuốn được con trai ông, và hai chàng chơi với nhau rất thân thiết. Vì thế khi nghe con trai xin cho thầy thư ký mới nghỉ việc ít hôm để cùng anh đi hành hương ở các ngôi chùa danh tiếng tại Idơ (Ise), ông bằng lòng liền.

Người cha sung sướng tự nhủ:

“Thế là cuối cùng con ta đã quan tâm đến thế sự rồi; chắc rồi nó sẽ thay đổi thôi?”

Hai chàng thanh niên, KiHâyDi và TôKuBây cùng nhau lên đường. Đường đi trở nên ngắn, vì TôKuBây biết cách kể nhiều chuyện vui, và thường thấy khuôn mặt của KiHâyDi rạng rỡ tươi cười e lệ; thậm chí thỉnh thoảng anh cũng kể chuyện. Buổi tối – hai người đã đi được một ngày – họ đến một quán trọ có bề ngoài khang trang đẹp đẽ nằm bên vệ đường, xa khỏi làng một chút.

Ta ngủ đêm ở đây đi, KiHâyDi dề nghị. – Quán này có vẻ niềm nở với khách đây. Chắc ăn uống ở đây được đấy, sao ta phải vào trong phố làm gì? Tôi mệt quá rồi, không bước nổi nửa.

TôKuBây đồng ý, hai người vào quán. Ông chủ quán, già và béo phệ, tiếp đón họ trước cửa. Thấy áo quần của KiHâyDi đẹp đẽ sang trọng, lão ta tỏ vẻ kính nể:

Chắc quí ông đang đi ngao du vui chơi phải không ạ? Hay là các ông đi làm ăn ngang qua vùng này? Vô cùng hân hạnh được đón quí khách danh vọng vào nghỉ ở quán chúng tôi. Để chúng tôi chọn các phòng tốt cho quí ông. Chắc quí ông sẽ thích cho mà xem. Lão nói một hơi, cúi rạp người, rồi dẫn khách vào nhà. Bên trong, bà vợ lão chủ quán tiếp họ còn trịnh trọng hơn cả chồng nữa, rồi bà ta đi trước dẫn hai người vào phòng. Xong bà ta cúi người xin lỗi khách xuống bếp chuẩn bị cơm tối.

TôKuBây nhìn quanh, lấy làm lạ khi thấy trên cửa phòng có ghi hàng chữ như sau:

“Chưa bao giờ người nghèo được ngủ ở đây”.

Anh lấy cùi tay hích vào người KiHâyDi nói:

Nhìn xem, ta đang ở trong quán trọ đặc biệt đấy nhé. Chỉ dành riêng cho người giàu thôi đấy!

Thế thì lần này họ bị bể dĩa rồi, – KiHâyDi cười đáp. – Nghèo như cậu mà vẫn được ngủ trong phòng sang trọng đấy thôi.

Sau khi ăn tối xong, đôi bạn chuyện trò vui chơi với nhau một hồi, rồi họ chúc nhau ngủ ngon và ai về phòng nấy. TôKuBây đắp tấm chăn mỏng, nhưng vì quá mệt, nên anh không ngủ được.

Anh trăn trở trên giường mãi, hai mí mắt nặng trịch, nhưng giấc ngủ vẫn không đến.

“Có lẽ kẻ nghèo xơ nghèo xác không hợp với cảnh xa hoa sang trọng như thế này, và quả thật hàng chữ trên cánh cửa kia không ngoa”, -TôKuBây tự nhủ.

Cứ trăn trở mãi mà không ngủ, bỗng anh thấy loáng thoáng như có cái gì động đậy trong lò sưởi. Anh bèn nằm im lặng giả vờ đang ngủ, nhưng hai mắt thì mở to chăm chú nhìn thử cái gì đang xảy ra. Gần bên lò sưởi có bóng một người đàn bà nhỏ nhắn đang khom người vội vã làm gì đấy. Một lát sau, TôKuBây nhận ra đó chính là bà chủ quán, bà ta đang đi lui tới bên bếp lò, cúi người xuống như đang làm việc ngoài đồng. Anh lại cố gắng hết sức nhìn cho kỹ, anh thấy người đàn bà trồng lúa trên tro. Anh chỉ đếm đến năm tiếng là mầm lúa mọc lên. Lúa mọc rất nhanh, rồi đơm bông trổ hạt. Một lát sau, trên lò sưởi không có gì ngoài những hạt lúa chín và khi lúa trở sang vàng, bà ta gặt rồi lấy đòn gỗ đập lúa ra!

Đoạn bà ta nhào nặn một hồi rất cẩn thận và làm thành bánh. Bà ta vừa làm xong bánh thì trời sáng. Khi tiếng gà đầu tiên vừa dứt thì trên lò sưởi chỉ còn lại tro mà thôi.

TôKuBây dụi mắt. Anh nhìn căn phòng, lâm bẩm:

– Chắc mình nằm mơ rồi. Nhưng rõ ràng chuyện đã xảy ra thật mà!

Anh đứng dậy, nhìn kỹ lò sưởi nhưng không thấy có gì đáng chú ý hết. Rồi TôKuBây nhìn vào gương. Trong kiếng hiện ra một gương mặt tái mét vì mất ngủ, giương cặp mắt đỏ ngầu nhìn anh.

“ Ta nằm mơ hay không thì cũng thế thôi; điều quan trọng là ở đây đáng ngờ quá”, –

anh tự nhủ, rồi chạy sang phòng bên cạnh để báo cho bạn biết mà đề phòng.

Cậu đừng ăn cái gì sáng nay người ta dọn ra hết, – anh nói với bạn – nhất là đừng ăn bánh bột gạo.

Nói xong, anh kể hết chuyện đã thấy cho bạn nghe.

KiHâyDi chế nhạo anh.

Làm gì có chuyện kỳ quặc thế? Trồng lúa trên lò sưởi chỉ trong một đêm, có ai nghe nói đến chuyện như thế này bao giờ đâu. Chỉ có trong ác mộng thôi. Nói tóm lại là do cũng chỉ vì cậu chưa quen ngủ trong những căn phòng sang trọng mà thôi.

TôKuBây bị chạm tự ái. Anh đáp:

Tôi nói cho câu biết những gì tôi đã thấy tận mắt. Còn chuyện tin hay không là tùy cậu. Nhưng tôi xin báo trước cho cậu hay là đừng ăn bánh bột gạo!

Nói xong anh quay lại phòng mình.

Một lát sau, KiHâyDi nghe có tiếng gõ nhè nhẹ ngoài cửa. Cửa mở, bà chủ quán bước vào, mang cho khách một cái khay đựng đồ ăn điểm tâm. KiHâyDi cười thầm trong bụng khi nhớ lại bộ mặt buồn bã của TôKuBây vì bị xúc phạm. Đói bụng quá, anh liền lấy cái bánh bột gạo ăn. Ăn xong cái đầu, anh không thấy có chuyện gì hết. “Chắc TôKuBây đã mơ đến chuyện hão huyền rồi”, anh nghĩ, rồi ăn tiếp cái bánh thứ hai. Nhưng khi vừa ăn cái bánh này xong, thì anh không thấy mình là KiHâyDi nữa mà là một con ngựa đen đang đứng trong phòng. Người đàn bà phục vụ lúc nãy nở một nụ cười nham nhở, rồi vội dẫn con ngựa xuống chuồng, mặc cho nó chống cự.

Trong lúc đó thì TôKuBây vẫn ngồi trong phòng mình. Anh không đụng đến đĩa bánh mà bà chủ quán đã mang vào, anh đợi KiHâyDi gọi, vì hai người phải ra đi.

Ngồi một hồi thật lâu không nghe gì, KiHâyDi đứng dậy đi sang phòng bạn. Nhưng KiHâyDi đã biến mất, chỉ còn lại cái bàn nhỏ với khay đồ điểm tâm ăn chưa hết. Biết có chuyện không hay đã xảy ra, anh bèn chạy ra khỏi nhà, đúng lúc trông thấy tên đầy tớ dẫn một con ngựa đen xuống chuồng, trên mặt ngựa nước mắt rơi lã chã. TôKiBây bèn nghi ngờ chuyện này.

Quá giận, anh đi tìm người chủ quán:

Ông đã làm gì bạn tôi? Anh ta ở đâu rồi? – Anh vừa hỏi vừa lay người chủ quán đang lộ vẻ lo sợ.

Lão chủ quán ấp úng đáp:

– Tôi không biết, thưa ngài, tôi không biết

Người đàn bà liền xuất hiện, đến gần anh, miệng cười nham nhở.

Này anh, sao anh lại đối xử cộc cằn với chồng tôi như thế? Tại sao anh nóng nảy vậy? Tôi vừa mang thức ăn sang cho bạn anh, tôi thấy ông rất phấn khởi kia mà. Chắc bạn của anh đã đi trước rồi và đang đợi anh đâu đó ngoài đường. Còn tiền nong thì anh đừng lo, đã thanh toán rồi. Chắc có lẽ anh muốn biết điều này, phải không?

TôKuBây quá tức tối, anh không biết trả lời sao khi nghe bà ta nói bằng cái giọng nhạo báng như thế. Anh quay về phòng, thu xếp đồ đạc vào túi xách. Nhưng trước khi rời khỏi quán trọ, anh đi đến chuồng ngựa, ngựa trong chuồng thật nhiều, anh tìm con ngựa đen và thấy nó bị buộc vào gần máng ăn, vẻ rất buồn bã.

TôKuBây dịu dàng vuốt ve nó rồi nói:

Cậu đã thấy chuyện xảy ra vì không chịu nghe tôi chưa. Bây giờ tôi phải lên đường một mình, tìm các bậc cao minh để hỏi cách giải thoát cho cậu đây.

Thế là TôKuBây lên đường một mình. Thật khó khăn cho anh, vì tiền bạc nằm trong túi xách của KiHâyDi, và tất cả hành lý đã rơi vào tay mụ chủ quán nham hiểm rồi. Anh định đi đến các thành phố lớn, vì ở đây dễ kiếm sống hơn. Vả lại, ở các thành phố lớn mới có thể tìm ra được người giỏi, hầu giải thoát cho bạn anh.

Nhưng anh đã đi khắp các chợ búa mà vẫn vô vọng, anh vào các phòng trà, nói chuyện với đủ hạng người rằng anh muốn đi thăm các tu viện danh tiếng để tìm cho được các vị cao tăng. Anh nói chuyện với tất cả những người mà anh nghĩ rằng có thể cho lời khuyên nên đi tìm hỏi ai, cách biến con ngựa đen lại thành người. Anh đi khắp một nửa vương quốc, nhưng chẳng tìm ra ai.

Mình đã đi khắp các thành phố và các tu viện rồi, nhưng không thành công. Bây giờ chỉ có nước vào núi nữa thôi. Có lẽ ở trong núi mình có thể tìm được một vị thông thái ẩn cư giúp mình được – TôKuBây thầm nói trong lòng.

TôKuBây rời khỏi thành phố, tìm đến những làng xóm hẻo lánh, nhưng cũng vô ích.

Từ ngày anh cùng KiHâyDi ra đi rồi ngủ trong quán trọ tính đến nay đã tròn một năm, thế mà TôKuBây vẫn không tìm ra được cách để giải thoát cho bạn. Một hôm, khi đang đi lang thang trên núi cao, anh đến một ngôi làng, dân làng ở đây chỉ anh đến ngôi làng bên cạnh, họ nói ở đấy có một vị tu sĩ thông thái sẽ có cách giúp anh. Mặc dù TôKuBây đã mất hết hy vọng, nhưng anh vẫn không thể bỏ qua bất cứ một cơ hội nào, cho nên anh liền vội vã đi ngay. Dọc đường, anh lạc vào núi mất hai ngày mà không tìm ra đường.

Anh để túi xách trên bờ một thửa ruộng, bên trong còn lại bữa ăn cuối cùng. Anh leo lên một mỏm núi đá để nhìn, hy vọng ở trên cao, anh có thể dễ dàng nhìn thấy đường đi. Quả vậy, lên trên mỏm núi, anh trông thấy một con đường nhỏ. Nhưng trước khi đi theo con đường này, anh muốn ngồi nghỉ một chút và ăn cho lại sức, vì đã hai ngày nay anh không đụng đến một chút thức ăn nào vì anh nghĩ không biết mình còn phải đi lang thang trên núi bao lâu nữa. Bây giờ đã tìm ra đường rồi, anh có thể bình tĩnh mà ăn cho đỡ đói đã. Nhưng anh quá đỗi ngạc nhiên khi thấy thức ăn trong túi xách biến mất. Anh nhìn quanh, và thấy cách không xa chỗ để túi, có một cụ già tóc bạc phơ đang chùi miếng bánh cuối cùng trên bộ râu.

Ông già chẳng có vẻ gì là lo sợ khi thấy chàng thanh niên, lão cười thân ái rồi nói:

Bánh rán của cậu ngon quá. Từ lâu ta chưa được ăn cái bánh nào ngon như thế này. Hy vọng cậu không giận vì ta đã ăn cái bánh trong túi xách mà không đợi khổ chủ đến hỏi xin trước. Cậu biết đấy, ta già rồi mà lại không được ăn từ lâu – ta không làm sao cưỡng lại được cơn thèm khi thấy trong túi xách này có bánh rán.

Nghe nói, TôKuBây nguôi giận:

Được thôi, vì cụ thấy bánh ngon, thì cứ ăn. Ở đây không xa làng bao nhiêu, có lẽ cháu sẽ tìm ra được thức ăn ở đấy.

Cậu quả là một chàng trai tốt bụng vì không nổi giận với một ông già kỳ lạ đã ăn phần ăn cuối cùng của mình. Mà này, ta không biết là cậu không còn gì để ăn hết. Nhưng hãy cho ta biết cái gì đã đưa cậu đến núi này. Có lẽ cậu đi tìm cái gì phải không? Cậu nói cho ta hay đi nào.

Rất cám ơn ông. Làm sao ông giúp cháu được khi cháu đã nhờ không biết bao nhiêu người danh tiếng trong các thành phố lớn và trong các tu viện mà họ đều bó tay,không khuyên được cháu lời nào, -TôKuBây đáp.

Cậu cứ cho ta biết cái gì đã làm cậu bận tâm. Ta muốn trả ơn cho cậu, bởi cậu đã tốt

với ta. Vì, ta cho cậu hay rằng ta không phải là một ông già bình thường , mà là thần núi.

TôKuBây quá mừng rỡ. Người không thể giúp mình được, nhưng thần núi thì lại chuyện khác. Cho nên, anh liền kể chuyện xảy ra với bạn mình, từ một năm nay, bạn anh làm ngựa trong nhà cặp vợ chồng độc ác ở quán trọ.

Chà chà, – thần núi ngầm nghĩ- chuyện này cũng khó đây. Ta chỉ cho cậu một cách, nhưng cậu phải kiên nhẫn và hết sức nhẫn nại mới được. Cậu nghe đây nhé: hãy đi về phía đông cho đến khi nào đến một sườn núi xuôi xuôi theo hướng Tây Đông, đến đấy cậu sẽ thấy một cánh đồng rộng trồng cà tím. Khi đã tìm được cánh đồng ấy rồi, cậu phải xem kỹ từng cây. Trong số cà trên đồng, chỉ có một cây có bảy quả cà, cây này là thuốc tiên đấy. Cậu hãy cẩn thận hái hết bảy trái cà này, đem đến cho bạn cậu. Khi anh ta ăn hết bảy trái cà này, ăn sống, ăn từng trái thì bùa phép ma quỉ sẽ biến mất.

Dặn dò xong, ông già biến mất như đã bị nuốt chửng vào lòng đất. TôKuBây kinh ngạc nhìn quanh. Chỉ thấy cái túi xách trống không, chứng tỏ anh không nằm mơ, nhưng quả thật anh đã nói chuyện với thần núi. Anh nhặt túi xách lên, và quá ngạc nhiên khi anh nghe bên trong có tiếng leng keng. Mở túi ra, anh thấy trong đó có hai đồng tiền vàng.

“Mấy cái bánh rán mà được đền bù một sốt tiền hậu hĩ như thế này ư? Ít ra thì bây giờ mình không còn lo lắng gì về việc kiếm sống nữa”. TôKuBây sung sướng thầm nghĩ. Anh bèn lên đường, thực hiện chuyến hành trình dài gian khổ.

Đúng là công việc không phải dễ, mặc dù anh đã biết cách để giúp bạn rồi. Trước hết là phải tìm cho ra cây cà sẽ chữa lành cho bạn.

Anh cứ đi miết về phía Đông, anh gặp nhiều cánh đồng trồng cà tím lớn có nhỏ có, nằm trên sườn núi đổ xuôi theo hướng từ Tây sang Đông. Anh quỳ gối xuống đất mà tìm, xem kỹ từng cây, nhưng không có cây nào mang bảy trái hết. TôKuBây không bỏ cuộc. Tìm hết cánh đồng này, anh lại tìm sang cánh đồng khác. Không biết bao nhiêu cánh đồng anh đã tìm được những cây cà bốn trái, thậm chí còn có năm trái nữa. Một lần anh đã mừng hụt. Anh đếm: Một, hai, ba, bốn, năm… anh đứng lên chán nản, chỉ có sáu trái thôi.

Anh mệt phờ người, lưng cúi xuống mãi đến đau cứng. Trước mắt anh, chỉ thấy trồng cà tím, thưa hay rậm, nhưng nối tiếp cánh đồng này đến cánh đồng khác. Anh tiếp tục

nhìn từ cây cà này tới cây cà khác, cho đến cuối một cánh đồng, anh gặp một cây cà có nhiều trái, anh đếm:… năm, sáu, bảy!

Một luồng sinh khí chạy khắp người làm anh khỏe lại. Anh bỏ bảy trái cà vào túi xách, rồi quay bước trở về quán trọ ngày trước. Anh đi rất phấn khởi. Rồi bạn anh sẽ hết đau khổ Anh rất mang ơn vị thần núi, chỉ đổi một bữa cơm đạm bạc mà anh đã có được một phương thuốc quí báu và còn thêm hai đồng tiền vàng nữa.

Hai đồng tiền vàng làm cho anh nảy ra một ý kiến thật hay. Trước khi đến quán trọ, anh vào thành phố gần đấy, với số tiền còn lại, anh mua một cái áo kimônô thật đẹp, rồi thuê những thứ chưng diện của con nhà giàu sang trọng một chuyến đi chơi xa. Anh diện vào, đi đến quán trọ với phong thái ra vẻ con nhà trâm anh thế phiệt.

Vợ chồng chủ quán thấy khách là một thanh niên ăn mặc sang trọng, bèn bước tới đón anh một cách kính cẩn. TôKuBây nói:

Tôi đi chơi một chuyến thật xa, từ các ngôi đền ở I-Dơ về. Tôi mệt quá, muốn nghỉ qua đêm ở nhà trọ của quí vị. Tôi muốn một phòng phù hợp với mình.

Ồ, thưa ngài, ở quán trọ này chỉ có những nhà quí tộc như ngài vào ở thôi. Chúng tôi sẽ chọn cho ngài một phòng rất tốt, chắc ngài sẽ hài lòng.

Họ liền đưa TôKuBây vào nhà, thái độ càng cung kính hơn nữa. Chàng thanh niên này chắc không cần để ý cũng biết ánh mắt của hai vợ chồng trao cho nhau, ngầm nói: “Mồi ngon đấy nhé!”.

Họ dẫn TôKuBây vào căn phòng anh đã ở cách đây một năm. Rồi họ đi ra, cũng lập lại những động tác cúi người cung kính như hồi nãy, để chuẩn bị cho khách quí tắm mát.

Hai vợ chồng vừa ra khỏi phòng là TôKuBây liền lẻn xuống chuồng ngựa để tìm người bạn. Anh tìm ra bạn đứng trong một góc, gầy gò và khắp thân mình nổi lên những đường roi tươm máu. Đói và công việc nặng nhọc đã làm cho nó tiều tụy, thờ ơ, nó đứng trước máng ăn mà không cần quay đầu để nhìn ai đi vào. TôKuBây bèn đến gần bên con ngựa, vuốt ve bờm nó và nói:

– Cậu đừng buồn, mình đã đem thuốc đến để giúp cậu trở lại hình người đây.

Anh mở túi xách, cái túi anh giấu trong tay áo kimônô, lấy ra trái cà tím đầu tiên đưa cho ngựa đen ăn.

– Này, cậu phải ăn cái này mới trở lại là người như trước.

Con ngựa ăn trái cà thứ nhất, rồi ăn trái thứ hai và trái thứ ba. Trái thứ tư đã thấy khó nuốt, nhưng đến trái thứ năm, nó từ chối không ăn nữa.

TôKuBây nổi giận:

Cậu làm gì thế. Bộ cậu muốn làm ngựa mãi sao. Được rồi, tùy cậu đấy nhé. Nếu không ăn, cậu sẽ tiếp tục làm ngựa đấy.

Anh dọa bỏ đi để mặc KiHâyDi ở đây, ngựa mới từ từ ăn hết bảy trái cà tím. Vừa ăn hết miếng cuối cùng thì KiHâyDi hiện ra đứng trước cái máng ngựa ăn. Nhưng trông anh gầy gò xanh xao.

TôKuBây tháo dây cho bạn rồi nói:

– Bây giờ cậu vào lánh trong rừng, tôi còn thanh toán tiền bạc với chủ quán.

TôKuBây quay lại phòng và ra lệnh dọn một bữa ăn tối thịnh soạn. Anh mời chủ quán và vợ đến cùng ăn, để anh mời họ ăn bánh bột gạo quí hiếm mà anh đã mang theo trong chuyến đi hành hương, dĩ nhiên là anh giả vờ thế. Cả hai vợ chồng đến theo lời mời. Trong thời gian đó, TôKuBây nhân lúc hai vợ chồng không chú ý, đổi bánh bột gạo bình thường mà anh đã mua trên phố cho bánh bột gạo do chủ quán mang lại trên khay để cám ơn lòng tốt của chàng thanh niên.

Cả hai đều ăn ngon lành bánh bột gạo do TôKuBây mời; nhưng vừa ăn đến cái thứ hai thì họ đã biến thành ngựa. Hai con ngựa hí vang, đá hậu, nhưng chẳng làm gì thay đổi được số phận. TôKuBây gọi gia nhân đến, sai họ dẫn hai con ngựa xuống chuồng. Rồi anh đi tìm KiHâyDi ở trong rừng. Đôi bạn ngủ với nhau một đêm ngon lành. Sáng hôm sau, họ bán tài sản của vợ chồng chủ quán và hai con ngựa, thanh toán tiền cho những thứ anh thuê rồi mua những thứ cần thiết cho KiHâyDi và cho anh để hai người về nhà. Không có gì ngăn cản bước chân họ được nữa.

Người thương gia giàu có rất sung sướng khi được ôm con vào lòng. Ông đã trải qua một thời gian dài lo sợ khủng khiếp, và không những ông mà còn cả bà góa, mẹ của TôKuBây nữa, cũng lo sợ ngóng trông ngày về của đôi bạn trẻ. Ông đã phái thám tử đi khắp nơi để tìm kiếm, nhưng những người này không khám phá ra được gì ngoài việc hai chàng đã không đến Iđơ, vì không ai thấy họ trong các ngôi chùa ở thành phố này. Người thương gia giàu cứ ngỡ con mình đã có mệnh hệ gì, còn bà góa khốn khổ thì thao thức không ngủ cả ngày lẫn đêm. Bây giờ cả hai đã trở về bình an vô sự, niềm

vui của bậc cha mẹ thật vô bờ. TôKuBây và KiHâyDi kể lại cho mọi người nghe tất cả chuyện đã xảy ra; khi người thương gia giàu có biết được lòng trung thành của TôKuBây, ông chia gia tài ra làm hai phần bằng nhau và cho TôKuBây một nửa.

Nếu không có cháu thì bây giờ ta không có con; cho nên của cải ta có, phải chia hai cho đồng đều.

Từ lúc ấy, họ sống rất hạnh phúc sung sướng. Nhưng KiHâyDi đã thay đổi hoàn toàn tính tình. Anh ta đã khác xưa, khó mà nhận ra được.

Bây giờ anh ta biết hưởng thụ cuộc đời, sống thoải mái vui vẻ với tài sản giàu có của mình và với bạn bè. Nhưng anh còn biết ý nghĩa của việc lao động cực nhọc, cho nên, cha anh không còn buồn phiền, lo sợ gì cho sự nghiệp của mình sau khi ông qua đời nữa.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm

Hãy tin tưởng mọi người

Có một phạm nhân trong thời gian cải tạo khi đang tu sửa lại đường đi, anh ta nhặt được 2 triệu đồng, anh ta không mảy may suy nghĩ liền mang số tiền này đến chỗ cảnh sát. Nhưng viên cảnh sát lại nói với anh bằng một giọng mỉa mai:...

9 cuốn sách khoa học hay và bổ ích bạn nên đọc!

9 cuốn sách khoa học hay và bổ ích bạn nên đọc!

Anh bán vải

Một hôm có một anh bán vải đi ngang qua một kiểng chùa xiêu vẹo, hoang tàn. Anh ngồi than thở, cảm thấy có tội lớn đối với Phật Trời. Trong chùa có tên ác tăng rình nghe được. Hắn bàn tán với anh bán vải: Anh nên giúp của để tu bổ chùa...

Ông Nghè hoá cọp

Ngày x­ưa, ở một làng kia, có một thanh niên bố chết từ hồi hắn còn nhỏ và để lại cho hắn một gia sản khá lớn. Hắn dư­ của ăn học, th­ường nói với mọi ng­ười trong làng: “Thầy tôi khi xư­a làm một chức quan nhỏ; tôi nhất...

Cong, nhưng đừng gãy

Một trong những hồi ức thân thương nhất của tôi khi còn thơ đó là đi dọc và ngồi xuống bên bờ sông. Nơi đó tôi được tận hưởng sự yên bình và tĩnh lặng, ngắm nhìn dòng nước lặng lờ trôi và tiếng những con chim hót và những chiếc...

Vòng đá và cuộc sống

Truyện kể rằng, ngày đó trên một con đường làng, người ta bắt gặp một chiếc vòng bằng đá đang lăn đi một cách chậm rãi và mệt nhọc bởi chiếc vòng bị mẻ mất một miếng nhỏ. Nó bị bỏ quên nên quyết định đi tìm mảnh vở của...

Một điều gì đó đặc biệt

“Tôi phải làm điều gì đặc biệt cho cô ấy. Sẽ không liệng đồ lung tung để vợ tôi khỏi cằn nhằn. Một việc gì đó khác thường, một điều gì đó mà bình thường tôi chưa làm cho vợ tôi”, hai hàng nước mắt tuôn rơi trên khuôn...

Bước ngoặt

Sau hai mươi lăm năm sống chung, cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi tan vỡ, và anh ấy đã dọn đi khỏi căn nhà nơi con gái của chúng tôi được sinh ra và lớn lên. Dù sao thì mọi chuyện cũng trở nên đơn giản hơn nhiều khi mà con gái tôi đã bước...

Hai bát mì bò

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai...

Đồng hồ đo Km cuộc đời

Một số người nói cuộc đời là một đại lộ. Đó cũng là một ý hay để nhìn về cuộc đời. Tôi tưởng tượng tôi đang chạy trên con đường của cuộc đời tôi với vận tốc 60 dặm/giờ. Mỗi phút đi được một dặm. Ước chừng tôi...

Bài viết mới

Hãy tin tưởng mọi người

0
Có một phạm nhân trong thời gian cải tạo khi đang tu sửa lại đường đi, anh ta nhặt được 2 triệu đồng, anh ta không mảy may suy nghĩ liền mang số tiền này đến chỗ cảnh sát. Nhưng viên cảnh sát lại nói với anh bằng một giọng mỉa mai:...

Anh bán vải