” Con Trâu” trong văn hóa làng quê ở Việt Nam
Hình ảnh những chú trâu đang cần mẫn cày ruộng hay đang thong thả gặm cỏ ở những làng quê Việt Nam chắc chắn sẽ không bao giờ bị lãng quên. Bởi vì con trâu đã là người bạn thân thiết của người dân và đã gắn bó lâu đời với nhau từ hàng ngàn năm nay, hơn nữa còn trâu còn được xem là biểu tượng của người nông dân Việt.
1. Thuyết minh về hình tượng con trâu trong văn hóa người Việt
Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần chủng, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Lông màu xám hoặc xám đen, thân hình vạm vỡ, thấp ngắn bụng to, mông đốc, bầu vú nhơ, sừng có hình lưỡi liềm. Ngày xưa, ông bà ta phân biệt trâu lành hay trâu dữ là một phần nhờ vào đôi sừng trên chỏm đầu: sừng dài, uốn cong hình lưỡi liềm cùng cặp mắt to dữ thì phải coi chừng chúng và có biện pháp thuần phục.
Trâu được chia thành hai loại: trâu đực và trâu cái. Trâu đực thường nặng từ 400 – 450kg có tầm vóc lớn, cân đối, dài đòn trước cao sau thấp, tính khí hăng hái nhưng hiền lành, còn trâu cái thì chỉ nặng trung bình từ 350 – 400kg có tầm vóc từ vừa đến to, linh hoạt và cũng rất hiền lành. Một đặc điểm rất dễ nhận dạng của trâu chính là không có hàm răng trên, trâu thuộc động vật nhai lại, sức nhai của trâu rất bền. Chân của các chú trâu rất chắc, ngắn, mập, lúc bước đi thường chệnh choạng ra hai bên. Tấm thân của nó dường như rất chắc chắn, da của nó rất dai có thể dùng làm áo bằng da trâu.

Con trâu đã là biểu tượng của sự hiền lành, chăm chỉ, cần mẫn từ hàng ngày năm nay. Nếu bạn có quê hoặc đã từng về các vùng quê sẽ bắt gặp những con trâu đang cần mẫn kéo cày trên bờ ruộng, giúp xới tơi những thửa đất cho người nông dân gieo trồng dễ dàng hon. Có thể nói con trâu là một người bạn chuyến giúp công việc cho người nông dân. Ngoài những việc cày bừa, con trâu còn có thể là một công cụ phương tiện để kéo gỗ củi và hàng hóa. Trâu cung cấp cho con người rất nhiều sản lượng về lương thực và sữa. Thịt trâu ăn rất ngon, nhiều đạm hơn cả thịt bò, ít mỡ hơn thị bò và giàu năng lượng, có thể đem bán cũng thu được một khoản tiền đáng kể, hoặc người ta dùng phân trâu ủ xanh để bón cho cây xanh tốt. Sừng của nó dùng để làm lược, đồ thủ công mĩ nghệ rất bóng, đẹp được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, có thể nói trâu vừa là một người bạn, một công cụ không thể thiếu của người nông dân nên được người dân chăm sóc rất chu đáo.
Bên cạnh đó, hình tượng con trâu còn gắn liền với những lễ hội truyền thống ở các tỉnh thành Việt Nam. Trong đó, không thể không nhắc đên lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng. Hải Phòng là một vùng đất có truyền thống văn hóa với nhiều di tích lịch sử và danh thắng mang đặc trưng của miền biển. Trong những di sản văn hóa ấy, nổi bật nhất là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn – một lễ hội mang đậm bản sức văn hóa dân tộc. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục lại hơn 10 năm nay và được Nhà nước xác định là 1 trong 15 lễ hội quốc gia, bởi lễ hội này không chỉ có giá trị văn hóa, tín ngưỡng, độc đáo mà còn là điểm du lịch hấp dẫn với mọi người.
Chọi trâu không chỉ đơn thuần là hai con trâu chọi nhau mà nó đã trở thành tục lệ, tín ngưỡng độc đáo ở vùng biển Đồ Sơn. Người Đồ Sơn gắn lễ hội chọi trâu với việc thờ cúng thành hoàng làng với mong muốn những chuyến đi biển thuận buồm xuôi giá, cho nên ngày Hội càng trở nên thiêng liêng, trang trọng hơn. Vào Hội, mọi người được hòa mình vào cộng đồng để tình cảm kết nối bền chặt, gắn bó hơn. Vì thế mà tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng cũng được duy trì khẳng định.

Vốn dĩ, hình tượng con trâu được xem là một con vật linh thiêng bởi vì nó nằm trong mười hai con giáp mà người Việt Nam cũng như những người phương Đông dùng để tính tuổi, tính năm. Không chỉ vậy, hình tượng con trâu còn được đưa vào nhiều bức tranh của làng tranh Đông Hồ nổi tiếng như bức tranh “Trẻ em cưỡi trâu thổi sáo”. Con trâu cũng trỏ thành biểu tượng của Seagames 22 Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam. Biểu tượng Trâu Vàng mặc quần áo cầu thủ đón các vận động viên của các nước bạn vào ngày 25/12/2002 là sự tôn vinh con trâu Việt Nam, người dân Việt Nam. Sự thật, con vật linh thiêng này cũng là con vật đã in đậm vào kí ức tuổi thơ của người dân Việt khi nhớ về làng quê, nhất là những người con xa xứ.
Xem thêm: Phân tích bài thơ “ Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan
Ngày nay, dù máy móc công nghiệp, công nghệ hiện đại đã dần thay thế vị trí của những chú trâu nhưng trâu vẫn mãi là con vật hiền lành, người bạn gần gũi của người nông dân. Trong tầm hồn người Việt, không có gì có thể thay thế cho con trâu dù cho nông nghiệp có tiến bộ như thế nào, máy móc đã thay thế cho trâu hoàn toàn. Nếu một ngày nào đó, trên cánh đồng quê Việt Nam không còn xuất hiện hình ảnh của những chú trâu cày đồng thì nét đẹp của làng quê Việt Nam cũng không còn trọn vẹn nữa.
2. Một số câu ca dao về con trâu
-Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cái cày nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa trổ bông,
Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
-Trâu năm sáu tuổi còn nhanh,
Bò năm sáu tuổi đã tranh về già,
Đồng chiêm xin chớ nuôi bò,
Mùa đồng tháng giá, bò dò làm sao!
-Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay.
-Trâu anh con cưỡi con dòng,
Lại thêm con nghé cực lòng thằng chăn.
-Trai thì cày ruộng khiến trâu
Gái thì phải biết bổ cau têm trầu.
-Tháng tư đi tậu trâu nò,
Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm…

Con trâu gắn bó với người nông dân Việt Nam với các làng nghề. Bấy nhiêu thuyết minh về con trâu đã đủ để mọi người hiểu được tầm quan trọng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người nông dân Việt Nam với hình ảnh này như thế nào. Nó xứng đáng là biểu tượng tượng trưng cho làng quê Việt Nam và là niềm tự hào của một Việt Nam hùng cường.
Danh mục: Viết lách
Nguồn: https://evan.com.vn/