Tục thờ Quan Công hay Quan Thánh Đế Quân ở Việt Nam nhiều sách cho rằng là bắt nguồn từ tín ngưỡng ngoại lai của Trung Quốc. Theo thống kê, miếu thờ “thần minh, thánh hiền” có số lượng lớn nhất ở Trung Quốc là miếu Quan Đế, đâu đâu cũng có, riêng khu vực thành Bắc Kinh cũ đã có hơn 100 chiếc. Hãy cùng bài viết tìm hiểu những điều bạn chưa biết về Quan Thánh Đế Quân – người đàn ông từ quỷ hóa thành thần được thờ nhiều nhất ở Trung Quốc.
1. Quan Thánh Đế Quân là ai?
Quan Thánh Đế Quân là tên gọi của một vị danh tướng nhà Thục thời Tam Quốc, tên là Quan Vũ, tự là Trường Sanh, Vân Trường, thường gọi là Quan Công. Ông đã từng phục vụ cho Lưu Bị nhà Thục, rất liêm chính, cương trực, sau bị Tôn Quyền nhà Ngô giết chết. Ông được sùng kính như là vị anh hùng của quốc dân, được xem như là bậc thánh và được thờ tại Quan Đế Miếu, cho nên có tên gọi là Quan Thánh Đế Quân.

Dưới thời nhà Tống, vua Huy Tông phong ông lên ba cấp từ Trung Huệ Công, Sùng Ninh Chơn Quân cho đến Chiêu Liệt Võ An Vương. Vua Văn Tông nhà Nguyên lại phong cho ông là Hiển Linh Nghĩa Dũng Võ An Anh Tế Vương. Vua Thần Tông nhà Minh phong cho ông tước hiệu Tam Giới Phục Ma Đại Đế Thần Uy Viễn Trấn Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân. Đến thời nhà Thanh, vua Đức Tông phong cho ông tước hiệu dài nhất là Trung Nghĩa Thần Võ Linh Hựu Nhân Dũng Hiển Uy Hộ Quốc Bảo Dân Tinh Thành Tuy Tĩnh Dực Tán Tuyên Đức Quan Thánh Đại Đế.
Xem thêm: Nguồn gốc Thần Tài và ý nghĩa của Ngũ Lộ Thần Tài
Trong thư tịch của Thiền Tông như Phật Tổ Thống Kỷ có đề cập đến câu chuyện sau khi có được những chiến thắng, Quan Vũ dần đánh mất mình, tính cách ngạo mạn, cố chấp hình thành trong những lời tán tụng. Khi giữ Kinh Châu, tính cách này đã khiến Quan Vũ trở nên nôn nóng mạo hiểm, cuối cùng để mất Kinh Châu, binh bại Mạch Thành, chết thân một nơi, đầu một ngả. Sau khi ông bị chém đứt đầu chết thì biến thành con quỷ không đầu, hồn phách thường lảng vảng trong rừng trải qua đến ba bốn trăm năm. Cuối cùng con quỷ không đầu ấy gặp Trí Khải Đại Sư – người sáng lập ra Thiên Thai Tông Trung Quốc, được Đại Sư dùng pháp Phật làm cho siêu độ và thoát khỏi thân quỷ. Sau khi được siêu độ, có chánh tín vào Phật pháp, Quan Công phát nguyện lớn đời đời kiếp kiếp sẽ hộ trì chánh pháp, hàng phục yêu ma, bảo hộ già lam thánh chúng. Cho nên ông trở thành vị Bồ Tát hộ pháp cho chốn già lam, được liệt vào hàng ngũ hai vị thần hộ pháp cùng với Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát.
2. Quan Công Đế Quân trong Nho giáo, Phật giáo và Đạo Giáo
Nho Giáo
Trong lịch sử Trung Quốc, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Các nhà thống trị phong kiến xem ông là biểu tượng “trung dũng thần vũ” và tinh thần “vì nước quên thân”. Sự sùng bái của người dân Trung Quốc đối với Quan Công được đẩy lên cực điểm vào triều Thanh, khi Quan Vũ trở thành người đứng đầu các vị thần trong Nho giáo, vị trí của ông còn được xem trọng hơn cả Khổng Tử.
Phật giáo
Đại sư Phổ Tịnh sau đó đã giảng giải Phật pháp cho Quan Vũ, khiến Quan Công hổ thẹn mà xin được truyền thụ “tam quy ngũ giới”, trở thành đệ tử Phật môn và thề nguyện làm Hộ pháp cho Phật giáo. Về sau, nhân vật anh hùng được người dân Trung Quốc kính ngưỡng Quan Vân Trường trở thành Già Lam bồ tát, cùng với Vi Đà Bồ Tát là hai đại Hộ pháp của Phật Giáo.
Đạo giáo
Quan Thánh Đế Quân hay còn gọi là Quan Đế, vốn là một trong “Hộ pháp tứ soái” của Đạo giáo. Tín ngưỡng Đạo giáo ngày nay chủ yếu thờ phụng Quan Công như một Thần Tài. Theo tín ngưỡng của đạo này, Quan đế là vị thần “trị bệnh trừ tai, trừ ma diệt ác, tru phạt phản nghịch, tuần sát Âm phủ”.
Ngoài ra, giới thượng nhân tin rằng lúc sinh thời Quan Công rất giỏi về quản lý tài chính nên họ thờ ông để phù trợ thương nghiệp. Do tính cương trực, nghĩa hiệp nên giới cảnh sát ở Trung Quốc thờ ông làm tổ nghề, và chắc cũng có lẽ vì tính công tư phân minh, trọn nghĩa huynh đệ mà giới xã hội đen cũng tôn ông làm thần linh hộ mệnh. Bên cạnh đó, do lúc nghèo khó ông từng đi bán đậu hủ nên người bán đậu hũ cũng thờ cúng ông.
Ngày nay, người ta chọn lễ vía Quan Thánh Đế Quân là ngày ông hiển thánh và quy y tam bảo là ngầy 24 tháng 6 âm lịch. Khi người Hoa di cư qua miền Nam Việt Nam, họ mang tín ngưỡng thờ Quan Thánh qua và người Việt Nam cũng từ đó mà sùng bái Quan Thánh Đế Quân. Trong các gia đình, nam gia chủ thường thờ ông là thần bảo hộ gọi ông là “ông độ mạng”.
3. Cách thức thờ và an vị ông Quan Thánh Đế Quân
Quan Vũ là người luôn tôn trọng tư cách của một người quân tử theo truyền thống nho giáo. Vì vậy, nếu thờ ông thì phải chọn nơi thanh tịnh, sạch sẽ, trang nghiêm. Mua một trang thờ, để tượng ông đứng bên trong, rồi thường xuyên đốt nhan là đủ. Nhưng khi thiết lập trang thờ và những lúc đốt nhang, phải mặc áo quần dài đàng hoàng, và nhất là thân thể phải sạch sẽ.

Khi đã thờ thì không gọi bất cứ tên nào của ông mà chỉ gọi là Ông. Bàn thờ phải có một bóng đèn đỏ, không được để sáng quá. Tốt nhất là để bàn thờ nơi mình làm việc. Bàn thờ phải để cao hơn đầu người, có rèm che thì càng tốt. Vì nơi thờ thần linh thì không nên để người ta nhìn thấy thẳng mặt vị thần được thờ. Và chỗ thờ Ông không được làm những chuyện ô uế, gian trá,… Nếu bạn trưng như một cái tượng thì nó sẽ là một cái tượng, nếu bạn thờ như một vị thần thì Ông sẽ là một vị thần, giúp cho gia đình bình an, mọi người sáng dạ, làm ăn ngay thẳng mà vẫn phát triển thịnh vượng.
Bài viết trên đây sẽ giúp bạn tìm hiểu được Quan Thánh Đế Quân là ai, cuộc đời của ông ra sao và còn giúp bạn biết được cách thức thờ Ông trong gia đình sao cho đúng.
Danh mục: Viết lách
Nguồn: https://evan.com.vn/