Chàng ngốc học khôn

Ngày xưa, có anh chàng tên là Đần lấy chị vợ tên là Khôn. Cả đời một chữ cắn làm đôi không biết, anh ta lại chẳng chịu thò đầu đi đâu, chỉ ru rú ở xó nhà để vợ sai bảo, từ việc nhỏ tới việc lớn, nên đã đần lại càng đần thêm.
Cái nghề đời, chồng “đần”, vợ “khôn”, việc nhà việc cửa đụng đến cái gì cũng dễ sinh đôi co, cãi vã nhau cả ngày. Chị vợ thì luôn mồm chê bai chồng: “Ối, trời ơi! Đần ơi là đần!” hoặc: “Ối trời ơi! Đần đâu mà có thứ đần đến thế!”. Thoạt đầu anh chồng biết thân biết phận, cứ thộn mặt ra giả câm giả điếc, đành cho vợ nhiếc. Nhưng về sau, chẳng hiểu có anh hàng xóm láng giềng nào mớm lời cho, thế là đôi lúc tức khí lên, anh ta cũng gân cổ cãi lại vợ:
– Này này, bu nó có khôn ngoan cũng chỉ là “cái ngữ đàn bà”, còn tôi “dẫu rằng… đần độn cũng là cái thằng đàn ông!”.
Thấy anh chồng đần đi học mót đâu được một câu cũng ra chữ nghĩa để xoen xoét cãi lí với mình, chị vợ tủm tỉm cười bảo:
– Phải rồi, bố nó muốn ra “cái thằng đàn ông” thì cứ đi mà học khôn học ngoan người ta cho bằng “cái ngữ đàn bà” như tôi đây này. Tôi đỡ nặng mình nặng mẩy, kẻo thiên hạ người ta lại nhiếc:

– Làm đầy tớ người khôn còn hơn làm thầy thằng dại!
Anh chồng liền thộn mặt ra, hỏi vợ:
– Thế, học khôn ở đâu hả, bu nó?
Chị vợ tặc lưỡi:
– Đần ơi là đần! “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, cổ nhân dạy thế, chứ còn học ở đâu nữa!
Anh chồng lại thộn ra:
– Thế, làm thế nào để “đi một ngày đàng” mà “học được một sàng khôn”, hả bu nó?
Chị vợ bật cười:
– Trời ơi! Đần đâu mà có cái thứ đần đến thế?
Rồi chị ta làm bộ khôn ngoan, giảng giải một thôi một hồi cho anh chồng;
– Thế này này! Đi ra đường, muốn học khôn học ngoan người ta thì trông thấy người ta, phải tay bắt mặt mừng, tươi cười hớn hở, chào người này một câu, chào người nọ một câu, chúc người này gặp nhiều may mắn, chúc người kia gặp sự tốt lành để làm quen với người ta. “Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen”, có thế mới học khôn học ngoan người ta được chứ!… Cứ như bố nó cả đời chả đi tới đâu, mà có gặp ai cũng cứ lì lì cái mặt ra như pho tượng đất ấy, thì ai người ta thiết săn đón trò chuyện với mình mà học khôn với học ngoan!
Nghe vợ giảng giải, anh chồng như sáng mắt ra, bỗng hăng hái bảo vợ:
– Vậy thì gà gáy canh ba sáng mai, bu nó dậy đùm cơm nắm, muối rang cho tôi đi học khôn một chuyến xem sao.
Sáng tinh mơ hôm sau, anh chồng cơm đùm cơm nắm lên đường. Nhớ lời vợ dặn, gặp ai anh ta cũng sấn lại, nắm tay, bá vai, miệng cười toe toét và luôn mồm chúc hết “điều may mắn” lại đến “sự tốt lành”. Mọi người thoạt đầu trố mắt nhìn (vì chưa bao giờ thấy anh chàng nào “kì cục” như vậy), sau cho rằng anh chàng này “dở hơi”, nên ai cũng vội vã bỏ đi cho được việc. Thế là suốt dọc đường chẳng có một ai rỗi hơi đứng lại bắt chuyện với cả.
Gần trưa, bỗng gặp một đoàn người đông nghìn nghịt đi tới. Lại có cả tiếng kèn tiếng trống om sòm cả một khúc đường. Anh chàng mừng thầm, chắc là có cơ hội để “học khôn” ở cái đám đông này. Nhớ lời vợ dặn, anh ta lại cười toe toét và luôn miệng chúc mừng lia lịa. Mọi người trợn mắt nhìn anh ta, rồi đoàn người cứ lẳng lặng kéo đi. Anh ta chợt thấy đám người đi sau một cái kiệu lớn sáu người khiêng, người nào tay cũng chống gậy, đi hơi khom lưng, mặc đồ xô gai trắng toát, trông rất lạ, một vài người thỉnh thoảng lại sụt sịt như bị sổ mũi. Đoán chừng đây mới là những người người có thể dạy “khôn” được, anh chàng bèn chạy ngay lại túm lấy tay từng người, ra vẻ tay bắt mặt mừng, hớn hở nói: “A ha! Xin chúc mừng các bác gặp điều may mắn! Chúc mừng các bác gặp sự tốt lành! Chúc mừng…”.
Chưa kịp chúc hết câu thứ ba, liền bị đám người ấy nổi xung lên, tiện tay vung gậy phang cho một chập tối tăm mặt mũi: “Đồ xỏ lá ba que! Đồ xỏ lá ba que!…. Đập chết nó đi!… Đem chôn sống nó đi!…”. Tiếng thét rầm rầm, tiếng gậy đập huỳnh huỵch… Anh chàng kinh hoàng vì bất ngờ bị đòn đau quá, phải cố hết sức mới luồn được qua gầm kiệu, sang phía bên kia ù té chạy bán sống bán chết.
Về đến nhà, chưa kịp kể lại hết đầu đuôi câu chuyện, anh chàng bị vợ nhiếc luôn cho một chập:
– Ối trời ơi! Đần ơi là đần! Người ta chết cha chết mẹ, đã không chia buồn với người ta được một tiếng thì chớ, lại “xỏ lá ba que” đi chúc mừng nhà người ta gặp “may mắn… tốt lành”. Có bằng đào mồ đào mả cả họ người ta lên không? Trời ơi! Đần ơi là đần! Sao người ta không chôn sống luôn bố nó đi cho hết tiệt cái thứ đần ấy!
Đần tức quá thộn mặt ra hỏi vợ:
– Thế thì bu nó bảo tôi phải chia buồn với người ta ra sao? Sao không dặn trước?
Chị vợ nguýt dài rồi lại ngồi giảng giải một thôi một hồi cho anh chồng:
– Thế này này, đần ơi là đần! Đi đường gặp nhà người ta đang có đám thì đừng có cười cợt, toe toét cái mồm cái miệng vô duyên ra, mà phải tỏ vẻ rầu rầu rĩ rĩ. Nếu là chỗ cùng làng cùng xóm thì chia buồn, rồi chúc cho người ta được “mồ yên mả đẹp” hưởng hạnh phúc ở dưới “suối vàng”, đã nghe ra chưa? Trời ơi, sao mà lại có cái thứ đần đến thế?
Đần nghe vợ nói, lại như sáng mắt ra, hẹn hôm sau quyết đi “học khôn” phen nữa.
Tinh mơ hôm sau, anh ta lại cơm đùm cơm nắm lên đường. Dọc đường, để khỏi quên lời vợ dặn, anh ta cứ lẩm bẩm luôn mồm chúc hết người này “mồ yên mả đẹp”, lại chúc người kia hưởng hạnh phúc dưới “suối vàng”… Thấy thế, ai cũng lảng xa ra sợ “xúi quẩy”, cho rằng anh ta đã “hóa dại”, chẳng ai thèm chấp. Nhưng anh ta chỉ rắp tâm gặp cho được một cái “đám” nào giống cái cái “đám” hôm trước để có dịp tỏ rõ sự “khôn ngoan” của mình.
Xế trưa, trời cũng chiều lòng, quả nhiên anh ta lại thấy một đoàn người đang nhộn nhịp đi tới. Dẫn đầu là một đám ông già bà cả, khăn là áo lượt chỉnh tề, có một ông cụ râu dài, áo thụng xanh, bê chiếc bình hương khói bay nghi ngút, trông rất đạo mạo. Theo sau là đám thanh niên, trai có gái có, ăn mặc chải chuốt, vừa đi vừa cười nói hớn hở cùng đôi nam nữ cặp kè bên nhau có vẻ bẽn lẽn, ngượng nghịu.
Không bỏ lỡ cơ hội, anh chàng sấn lại, nắm lấy tay đôi trai gái. Nhớ lời vợ dặn, anh ta làm bộ rầu rầu rĩ rĩ, chúc cho “hai anh chị” được “mồ yên mả đẹp” để hưởng hạnh phúc dưới “suối vàng”! Cô gái nghe thế, khiếp đảm, lăn đùng ra, ngất lịm. Còn anh con trai mặt đang đỏ bừng bừng bỗng xám ngoét lại, không còn giọt máu, rồi nổi điên túm lấy cổ anh chàng mà hét: “Đồ quỷ sứ! Đồ quỷ sứ! Ông bóp chết mày!…”. Thế là cả đám thanh niên xông vào, người đấm, kẻ bóp cổ khiến cho anh chàng gần như tắc thở. May có người hàng xóm tốt bụng đi qua, vào can, xin mãi cho anh chàng “dở rồ dở dại” này, mới thoát chết mà chạy được về tới nhà.
Qua trận đòn nhừ tử ấy, lại đến trận mắng té tát của chị vợ:
– Trời ơi! Đần ơi là đần!… Đần đâu mà có cái thứ đần đến thế!… Đám rước dâu của nhà người ta, chứ đâu phải là đám ma mà đi chúc “mồ yên mả đẹp” để xuống “suối vàng” hưởng hạnh phúc! Sao người ta không cho bố nó xuống luôn “suối vàng” đi cho hết tiệt cái thứ đần ấy!
Đần tức quá lại thộn mặt ra hỏi:
– Thế thì bu nó bảo tôi phải chúc người ta như thế nào? Sao không dặn trước?
Chị vợ lại nguýt dài, rồi lại giảng giải:
– Thế này này, đần ơi là đần! Đi đường mà gặp đám “cô dâu chú rể” vui vẻ như thế thì chỉ cần mau mồm mau miệng chúc vợ chồng người ta “tốt đôi”, “tốt đôi”. Thế là người ta khoái chí nhất đời… Mà kể cả những đôi vợ chồng cặp kè bên nhau được khen một câu như thế cũng thích chí…, cứ gì “cô dâu chú rể”!… Người ta thì thích mà mình lại được dịp làm quen với người ta mới khôn ngoan được chứ!
Anh chồng, lại như sáng mắt ra, bèn quyết đi “học khôn” một phen nữa.
Sáng sớm hôm sau, anh chàng lại lên đường. Để cho dễ nhớ lời vợ dặn, trên đường đi, gặp bất cứ ai, ông già, bà cả, hoặc trai, gái, lớn, bé, anh ta cũng cứ luôn mồm lặp đi lặp lại độc có hai tiếng “tốt đôi” … “tốt đôi”…, mặc dầu từ sáng đến trưa vẫn chẳng gặp “đôi” nào cả! Và cũng như hôm trước, chẳng ai buồn bắt chuyện với anh ta cho mất công mất việc!
Đi mỏi chân, mặt trời đã xế bóng mà vẫn chưa “tóm” được “đôi” nào cho ra “đôi” cả, anh ta đang định quay trở về. Bỗng nghe tiếng ồn ào ở phía xa xa trước mặt. Rảo bước tới nơi, anh ta thấy lửa bốc cháy ngùn ngụt ở một ngôi nhà cuối làng. Tiếng trống ngũ liên, tiếng tù và, tiếng người la hét náo động cả một vùng. Người xách nước, kẻ vác câu liêm, người bê chiếu ướt… ùn ùn kéo tới, leo lên mái nhà cố dập tắt ngọn lửa. Phía ngoài đường, hai vợ chồng chủ nhà đã có tuổi đang đứng trông đồ đạc được mọi người khuân ra giúp. Nhác thấy họ đang lúi húi cặp kề bên nhau, nhớ lời vợ dặn, như gặp được cơ hội hiếm có, anh chàng vội chạy lại, tay bắt mặt mừng, nói rối rít:
– A ha! Chúc mừng hai bác thật là “tốt đôi”, “tốt đôi”! Xin chúc mừng!…
Cháy nhà mất của, lòng dạ rối như mớ boòng boong, lại có cái anh chàng nào tự dưng chớt chớt nhả nhả đến lắp ba lắp bắp những gì nghe chẳng rõ giữa tiếng ồn ào huyên náo, người chủ nhà bèn quát:
– Cái gì? Cái gì? Nói cái gì thế?
Đần liền ghé vào tai bác ta hét tướng:
– Tôi bảo “tốt đôi”, “tốt đôi”… Hai bác sướng chưa nào?… “Tốt đôi”, “tốt đôi”… đã nghe rõ chưa?
Như hiểu ra điều gì, mắt bác chủ nhà bỗng long sòng sọc. Bác ta túm ngay lấy cổ anh chàng, hô hoán:
– Thằng này đốt nhà! Thằng này đốt nhà! Ối làng nước ơi! Tóm cổ được thằng đốt nhà đây rồi! Làng nước ơi!
Mọi người đang mải chữa cháy, vội quay lại, cùng thét:
– Đâu, đâu?… Đứa nào đốt nhà? Đứa nào là thủ phạm? Đâu? Đâu?… Bắt lấy nó! Trói nó lại!… Gô cổ nó lại!… Chữa cháy xong, sẽ hỏi tội!…
Thế là cả hai vợ chồng bác chủ nhà và lũ trẻ con quanh đấy xúm lại túm chặt lấy anh chàng. Hoảng quá, anh ta vừa giãy giụa, vừa kêu lên:
– Ô hay! Cái nhà bác này! Tôi bảo “tốt đôi”, “tốt đôi” cơ mà!
Bác chủ nhà càng quát, dữ tợn hơn:
– A! Mày bảo mày đốt! Chính mày đốt à? Ông sẽ thiêu sống mày ngay trong đống lửa kia kìa!…
Hai bên giằng co, xô đẩy nhau, chợt va phải cái chĩnh tương đổ kềnh ra sắp lăn xuống rãnh. Tiếc của, bác chủ nhà nới tay một chút để lấy chân chặn cái chĩnh lại. Đang lúng túng thì anh chàng vung mạnh ra khỏi tay cả hai vợ chồng, xô lũ trẻ ngã nháo nhào rồi chạy thục mạng.
Sẩm tối mới bò về tới nhà, vừa đói, vừa mệt, bị một phen hú vía, lại bị chị vợ té tát luôn cho một chập:
– Trời ơi là trời! Đần ơi là đần! Đần đâu mà có cái thứ đần đến thế? Người ta đang tìm đứa đốt nhà thì như “lạy ông tôi ở bụi này”, hét vào giữa mặt người ta “tốt đôi”, “tốt đôi”. Thế thì có khác gì bảo người ta rằng “tôi đốt”, “tôi đốt”, chứ còn “ai đốt” vào đấy nữa! Trời đất, sao họ không thiêu sống luôn bố nó đi cho hết tiệt cái thứ đần ấy.
Nghe vợ mắng, anh chàng Đần như sực tỉnh cơn mê, nhưng vẫn thộn mặt ra hỏi vợ:
– Thế bu nó bảo tôi phải làm như thế nào mới được? Sao không dặn trước? “Tốt đôi”, “tốt đôi” mà lại bảo là “tôi đốt”, “tôi đốt” là thế nào?
Chị vợ lại nguýt dài, giảng giải:
– Thế này này, đần ơi là đần! Đi đường mà gặp những chuyện rối ren “hữu sự” như vậy, thấy người ta làm thế nào thì mình cũng bắt chước người ta giúp vào một tay một chân chứ đừng có đứng ngoài mà “lí sự… lí siếc” để chuốc vạ vào thân như hôm nay! Đã nghe ra chưa? Ôi, đần đâu lại có thứ đần đến thế!
Đần nghe vợ nói lần này lại như sáng hẳn mắt ra, hơn cả những lần trước. Anh ta nghĩ bụng: thế thì “bắt chước” thiên hạ cũng chẳng khó gì, bèn hăm hở quyết đi “học khôn” một chuyến nữa.
Thế là mới gà gáy canh ba hôm sau, trời còn nhá nhem tối, anh ta đã hăng hái lên đường. Nhưng chuyến này chẳng phải chờ đợi lâu la gì, mới đi tới nẻo đường vắng sau ngôi miếu hoang ở cuối làng trên, đã gặp hai gã đàn ông to béo, không nhìn rõ mặt, đang ẩu đả nhau loạn xạ, kẻ thượng cẳng chân, người hạ cẳng tay, chẳng gã nào chịu thua kém gã nào một miếng. Anh ta không biết đó là hai tay mới đi “ăn sương” về, rủ nhau ra đây chia nhau bọc tiền mới trộm được, nhưng tay nào cũng đòi phần hơn nên mới sinh ra ẩu đả.
Thấy có chuyện rối ren đúng là “hữu sự” thật, chẳng hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao, nhớ tới lời vợ dặn hôm trước, anh chàng Đần liền xắn tay áo xông vào kêu lên: “Để tớ giúp cho một tay!… Để tớ giúp cho một tay!…”. Hai gã ăn trộm, gã này tưởng anh ta là người cùng cánh gã kia đến giúp sức để choảng mình, bèn cùng xông vào nện cho anh chàng hung hăng mới đến này những quả đấm như trời giáng, làm anh ta đổ kềnh ra mặt đất.
Bị đòn phủ đầu đau quá, chợt nhớ tới lời vợ dặn, anh ta liền ú ớ kêu tướng lên: “Ô kìa, ô kìa! Tớ có “lí sự… lí siếc” gì đâu? Tớ… tớ chỉ giúp đằng ấy… một tay thôi mà!”. Hai gã ăn trộm “đấu võ” với nhau đã đến lúc thở cả ra đằng tai, thoáng nghe anh ta ú ớ “lí… lí…, tay… tay” gì đó thì ngỡ anh chàng này đe rằng anh ta là người nhà ông “lí”… sẽ cho chúng “biết tay”! Thế là hai gã chột dạ, sợ tù mọt gông với cụ “lí”, hốt hoảng kéo nhau bỏ chạy, để trơ lại một mình anh chàng nằm chỏng quèo dưới đất, mặt mũi sưng vêu!
Lần này, tuy trời còn sớm, mới trông rõ mặt người, nhưng anh chàng Đần cũng lủi thủi quay về nhà để trách vợ chẳng dạy “khôn” lại xui dại mình đến nỗi bị ăn đòn nhừ xương. Bất đồ, anh ta lại bị vợ nhiếc:
– Ôi, đần ôi là đần! Thấy người ta đánh nhau thì mình phải vào can, rồi khuyên giải người ta một câu “một điều nhịn là chín điều lành” chứ! Mình là “người giữa” phải “chữa đôi bên”. Đã không hòa giải họ thì chớ, lại lăn vào “đánh hôi” với người ta, có khác gì “đổ thêm dầu vào lửa” cho nó cháy luôn cả chân cả tay mình? Ôi, đần đâu mà có cái thứ đần đến thế!
Cứ mỗi lần nghe vợ biện bạch cho một hồi đâu ra đấy, anh chàng Đần lại như sáng mắt ra. Nhưng lần này thì quả thật anh ta đã thấy thấm thía. Cứ học khôn học ngoan được như cái “lí sự” của vợ cũng đủ “vỡ mày vỡ mặt” ra rồi! Anh ta chép miệng than thở:
– Bu nó bảo “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà tôi đi đến mấy ngày đàng rồi, chỉ rặt gặp những thụi với đấm với đá, gậy gộc, bóp cổ, chôn sống, thiêu sống… chẳng thấy thằng cha nào dạy khôn dạy ngoan cho mình cả!
Chị vợ bật cười:
– Ôi, đần ơi là đần! Cái khôn cái ngoan nó ngấm vào da vào thịt, nó thấm vào xương vào cốt ấy chứ. “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”, đâu có phải như cái bánh cái trái, người ta trao vào tay hay đút vào túi cho mình được!… Thiên hạ chán vạn người còn phải lên rừng xuống biển, đi khắp gầm trời mà cũng chưa dễ gì học được hết mọi cái khôn ngoan ở đời ấy chứ! Bố nó mới đi có vài ngày đàng, bất quá cũng chỉ ở mấy làng trên, xã dưới, quẩn quanh cái xó huyện này thôi, chứ đã ăn thua gì!
Nghe nói đến chuyện thiên hạ lên rừng xuống biển để “học khôn”, từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa được đi tới đâu, ngoài cái lối xóm nhà mình, anh chàng Đần lấy làm thích chí bảo vợ:
– Ừ, hay bu nó cứ để tôi lên rừng xuống biển, “học khôn” một chuyến, xem nó thế nào?
Thế là hôm sau, từ gà gáy canh một, anh chàng Đần lại cơm đùm cơm nắm, xin thêm vợ quan tiền giắt ở thắt lưng, quyết chí lên tận rừng xanh để học khôn. Nghe vợ dặn, anh ta cứ nhằm hướng mặt trời lặn mà cắm đầu đi cho mãi đến tối thì tới rừng thật. Tiếng chim kêu vượn hót, cảnh rừng núi vắng vẻ, âm u… mọi thứ đều làm anh chàng lạ mắt lạ tai, cứ thế dấn bước vào sâu trong rừng lúc nào không biết.
Bỗng một cảnh kì lạ làm anh ta dừng chân lại: hai con vật gì to lớn như đôi bò mộng, lông lá xồm xoàm đầy những vết văn đen như vết cháy sém, đang vờn nhau. Cả hai cùng đứng trên hai chân sau đu đẩy nhau, rồi lại vuốt vào mặt nhau bằng hai chân trước to bằng cột nhà, và có những móng sắc nhọn. Á à! Đám này đang gây sự với nhau, lại sắp loạn đả rồi đây, giống như cái đám hôm qua ấy mà! Nhớ lời vợ dặn, anh chàng Đần xông ngay lại, kêu to lên:
– Thôi thôi, “một điều nhịn là chín điều lành”. Tớ là “người giữa”, tớ “chữa đôi bên”, chớ có ẩu đả, chẳng có lợi lộc gì cho bên nào đâu!…
Hai con vật to lớn bỗng giật mình cùng ngoái đầu lại.
Một tiếng gầm dữ dội chợt vang lên làm cho anh chàng Đần cũng giật bắn cả người. Thì ra đó là một cặp vợ chồng cọp đang đùa giỡn với nhau, sau khi đã no mồi. Thấy bóng người xuất hiện bất ngờ, cọp cái thảng thốt gầm lên một tiếng rồi quay đầu bỏ đi. Cọp đực cũng gầm lên một tiếng dữ dội hơn, làm lá cây rụng xuống rào rào, rồi quay hẳn đầu lại, trườn mình về phía kẻ “địch” mới đến.
Anh chàng Đần run lẩy bẩy, hồn vía lên mây, vội bỏ chạy. Cọp đực quật mạnh đuôi một cái, lại gầm lên một tiếng rung cả vách núi. Chàng Đần kinh hoảng quá, vội leo tót ngay lên một cây to gần đấy. Cọp đực quật mạnh đuôi một cái nữa rồi chồm ngay lại, trợn trừng ngó thẳng lên mặt anh chàng bằng đôi mắt đỏ như hai cục máu, miệng gầm gầm gừ gừ một thôi một hồi, làm cho anh chàng càng run lên như cầy sấy. Chán chê, cọp đực mới nằm phục xuống rồi chỉ một lát đã ngáy ầm ầm.
Cho tới gần nửa đêm, cọp cái bỗng lững thững tới đánh thức cọp đực dậy. Vợ chồng cọp lại vờn nhau giây lát rồi theo nhau đi tít vào rừng sâu để săn mồi, quên khuấy con mồi đang ngồi run cầm cập trên một cành cây to ngay phía trên chỗ cọp đực nằm ngủ. Phải đợi tới gần sáng, nghe tiếng gà rừng gáy, xem chừng yên ắng, chàng Đần mới dám từ từ tụt từ trên cây xuống, cắm đầu cắm cổ chạy một mạch ra khỏi khu rừng.
Suốt ngày hôm đó, anh chàng cứ lập cà lập cập vừa đi vừa chạy để mau chóng về tới nhà, trông thấy vợ, mới yên trí là mình còn sống.
Nghe kể hết đầu đuôi, chị vợ thoạt đầu cũng rùng mình sởn gáy, nghĩ mà hú vía cho cái đần độn đến thảm hại của anh chồng. Nhưng sau nghĩ thế nào, chị lại bật cười bảo:
– Ôi thế là lần này bố nó “khôn” lắm rồi! “Khôn” nhất trần đời đấy!
Anh chồng thộn mặt ra trách vợ:
– Ô hay! Bu nó còn giễu tôi à? Chỉ thiếu chút nữa là tôi chui vào bụng cọp để “học khôn” đấy!
Chị vợ phì cười:
– Thế mà bố nó không chui vào bụng cọp mới là “khôn” chứ! Ví thử cứ chúi đầu chúi cổ chạy thêm vài bước nữa xem liệu bố nó có nằm trong bụng cọp rồi không? Thế chả phải là “khôn” nhất trần đời rồi còn gì nữa!… Ôi, đần ơi là đần! “Khôn” đến như thế mà cũng không biết là “khôn” nữa!
Anh chồng ngẩn mặt ra. Lần đầu tiên trong đời, suýt nữa chui vào bụng cọp, anh ta mới được chị vợ khen là “khôn”! Chẳng hiểu nghĩ thế nào, anh bỗng ngớ ngẩn nói với vợ:
– Thì ra… cái giống “cọp” nó dạy “khôn” nhanh thật đấy, bu nó nhỉ!…

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm

Hãy tin tưởng mọi người

Có một phạm nhân trong thời gian cải tạo khi đang tu sửa lại đường đi, anh ta nhặt được 2 triệu đồng, anh ta không mảy may suy nghĩ liền mang số tiền này đến chỗ cảnh sát. Nhưng viên cảnh sát lại nói với anh bằng một giọng mỉa mai:...

9 cuốn sách khoa học hay và bổ ích bạn nên đọc!

9 cuốn sách khoa học hay và bổ ích bạn nên đọc!

Anh bán vải

Một hôm có một anh bán vải đi ngang qua một kiểng chùa xiêu vẹo, hoang tàn. Anh ngồi than thở, cảm thấy có tội lớn đối với Phật Trời. Trong chùa có tên ác tăng rình nghe được. Hắn bàn tán với anh bán vải: Anh nên giúp của để tu bổ chùa...

Ông Nghè hoá cọp

Ngày x­ưa, ở một làng kia, có một thanh niên bố chết từ hồi hắn còn nhỏ và để lại cho hắn một gia sản khá lớn. Hắn dư­ của ăn học, th­ường nói với mọi ng­ười trong làng: “Thầy tôi khi xư­a làm một chức quan nhỏ; tôi nhất...

Cong, nhưng đừng gãy

Một trong những hồi ức thân thương nhất của tôi khi còn thơ đó là đi dọc và ngồi xuống bên bờ sông. Nơi đó tôi được tận hưởng sự yên bình và tĩnh lặng, ngắm nhìn dòng nước lặng lờ trôi và tiếng những con chim hót và những chiếc...

Vòng đá và cuộc sống

Truyện kể rằng, ngày đó trên một con đường làng, người ta bắt gặp một chiếc vòng bằng đá đang lăn đi một cách chậm rãi và mệt nhọc bởi chiếc vòng bị mẻ mất một miếng nhỏ. Nó bị bỏ quên nên quyết định đi tìm mảnh vở của...

Một điều gì đó đặc biệt

“Tôi phải làm điều gì đặc biệt cho cô ấy. Sẽ không liệng đồ lung tung để vợ tôi khỏi cằn nhằn. Một việc gì đó khác thường, một điều gì đó mà bình thường tôi chưa làm cho vợ tôi”, hai hàng nước mắt tuôn rơi trên khuôn...

Bước ngoặt

Sau hai mươi lăm năm sống chung, cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi tan vỡ, và anh ấy đã dọn đi khỏi căn nhà nơi con gái của chúng tôi được sinh ra và lớn lên. Dù sao thì mọi chuyện cũng trở nên đơn giản hơn nhiều khi mà con gái tôi đã bước...

Hai bát mì bò

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai...

Đồng hồ đo Km cuộc đời

Một số người nói cuộc đời là một đại lộ. Đó cũng là một ý hay để nhìn về cuộc đời. Tôi tưởng tượng tôi đang chạy trên con đường của cuộc đời tôi với vận tốc 60 dặm/giờ. Mỗi phút đi được một dặm. Ước chừng tôi...

Bài viết mới

Hãy tin tưởng mọi người

0
Có một phạm nhân trong thời gian cải tạo khi đang tu sửa lại đường đi, anh ta nhặt được 2 triệu đồng, anh ta không mảy may suy nghĩ liền mang số tiền này đến chỗ cảnh sát. Nhưng viên cảnh sát lại nói với anh bằng một giọng mỉa mai:...

Anh bán vải