Bà chúa Liễu hay Quỳnh Nương công chúa. Ở thôn An Hải, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, Sơn Nam Hạ (nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam Ninh) có vợ chồng ông Lê Thái Công rất hiền đức, hay làm điều lành. Ông bà đã có một con trai. Đến năm Thiên Hựu, đời vua Lê Anh Tông bà vợ có mang đã quá kỳ sinh mà không chuyển dạ, lại không ăn uống gì, chỉ ưa hương hoa thơm. Gia đình cúng lễ mãi vẫn không khỏi. Đêm ấy, Lê Thái Công nằm mơ thấy được người dẫn vào một tòa cung điện nguy nga, nơi đó bách thần đang làm lễ chúc thọ Ngọc Hoàng. Một nương tử áo hồng mang khay rượu ra, lỡ tay làm rớt chiếc chén ngọc. Ngọc Hoàng nổi giận, trách phạt bắt đày xuống cõi nhân gian. Lê Thái Công hỏi chuyện các lực sĩ bên cạnh mới biết rằng đó là tiên chúa Quỳnh Nương, con gái trẻ nhất của Ngọc Hoàng, tính tình bướng bỉnh. Ông đang định hỏi chuyện nữa thì có người đi ra, mắng bảo vị quan giữ cửa sao dám để người lạ vào? Lực sĩ vội vàng đẩy ông ra. Giật mình tỉnh giấc, thì cũng là lúc vợ ông sinh một người con gái. Nhớ lại giấc mộng, ông đặt tên cho con là nàng Giáng Tiên.
Ngày tháng qua đi, Giáng Tiên càng lớn càng xinh đẹp. Mọi việc nữ công nữ xảo đều thành thạo, mà về tài văn thơ, đàn nhạc lại cũng hơn người. Nhiều người dạm hỏi, nhưng ông bà Lê Thái Công không nhận lời ai.
Cách làng Vân Cát vài dặm là làng Tiên Hương, Thái Công có người bạn họ Trần ở đó. Vợ chồng Trần Công cũng đứng tuổi mà chưa có con cái. Một đêm Trần Công bắt được một đứa hài nhi nằm dưới gốc cây đào, đem về nuôi, đặt tên là Đào Lang. Lớn lên, Đào Lang cũng là một chàng trai thông minh, tuấn tú. Hai ông Lê và Trần bàn bạc ước định thông gia. Ít lâu sau thì Giáng Tiên và Đòa Lang kết duyên vợ chồng.
Về nhà chồng, Giáng Tiên ăn ở xứng đáng là một người vợ hiền dâu thảo. Trong ba năm, nàng sinh được một trai, một gái rồi bỗng ngày 3 tháng 3, nàng không bệnh tật gì mà mất, mới có 21 tuổi. Cả hai gia đình than khóc tiếc thương nhưng chỉ ngậm ngùi chứ còn có cách gì cứu vãn!
Giáng Tiên về trời, nhưng lòng trần canh cánh. Những ngày hội quần tiên vui vẻ, nàng vẫn thầm gạt nước mắt, nhớ chồng, thương con. Ngọc Hoàng hiểu thấu sự tình liền gọi lại cho đổi tên là Liễu Hạnh và cho trở lại cõi trần. Nàng về đến nhà vừa đúng giỗ hết tang mình, mọi người ngạc nhiên, Liễu Hạnh ôm lấy mẹ khóc, nói thực mình là người nhà trai, hết hạn phải về, nay lại được xuống trần, nhưng không thể sinh hoạt như người trần gian dạo trước. Sau đó, nàng dặn dò anh chăm sóc bố mẹ, rồi về nhà chồng.
Đào Lang từ ngày vợ mất vẫn thổn thức không nguôi. Liễu Hạnh đẩy cửa bước vào. Vợ chồng cặp nhau mừng mừng tủi tủi. Nàng cũng nói rõ sự tình cho chồng biết, khuyên chồng lập chí, yên tâm đeo đuổi công danh, nuôi dậy con thơ, phụng dưỡng bố mẹ. Nàng sửa sang nhà cửa, giúp đỡ chồng rồi lại thoắt biến lên không trung. Thỉnh thoảng nàng lại hiện về, giúp đỡ gia đình, cho đến khi mọi việc xong xuôi, không còn vướng víu gì nữa, nàng mới đi chu du khắp nơi trong nước.
Từ đó, tung tích của nàng như mây nổi lưng trời, nhiều người đã đề thơ xướng hoạ với Tiên chúa. Họ đều khâm phục tài thơ của Tiên chúa huyền nhiệm, thanh cao.
Tiên chúa lại rời Hồ Tây, vân du vào làng Sóc, Nghệ An. Ở đây Tiên chúa hiện thành một phụ nữ trần gian, kết duyên với một thư sinh không cần mối lái. Người này vốn là hậu thân của Đào Lang thuở trước. Nàng giúp chồng ăn học, thi đỗ cao được bổ vào Hàn lâm viện. Hai người sinh hạ được một con trai. Sum họp chỉ mấy năm, Tiên chúa lại về trời. Người chồng ở góa nuôi con, từ chức trở về vui với cây cỏ, sông núi.
Ở trên trời, Tiên chúa vẫn không sao quên được cõi trần. Nàng lại xin Ngọc Hoàng giáng sinh lần nữa. Lần này, chúa mang theo hai thị nữ xuống thẳng miền Phố Cát. Ở đây, người thường hiển linh, người lành được phúc, kẻ ác bị tai vạ. Nhân dân lập đền thờ phụng. Nhưng nhà vua lúc đó là Lê Huyền Tông cho là yêu quái, sai quân Vũ lâm cùng thuật sĩ đến trừ. Đến chúa bị phá tan. Nhưng sau đó, cả vùng phát sinh bệnh dịch. Dân chúng cho là Tiên chúa trừng phạt, tâu lên vua xin lập lại đền. Vua phải thuận theo, lại sắc phong cho làm Mã hoàng công chúa. Tiên chúa cũng từng theo các đoàn quân chinh phạt âm phù cho tiễu trừ được giặc giã. Triều đình lại gia tăng là Chế Thắng Hóa diệu đại vương.([1])
Đền thờ Tiên chúa được dựng ở các nơi như Song, Phố Cát, Phủ Giày. Các nơi ấy hàng năm thường mở hội. Dân gian gọi người bằng cái tên nôm na: Bà Chúa tiễu, xem bà là vị chúa cai quản mười phương đất, nàng với các nữ thần cai quản rừng xanh và nữ thần sông biển.
Không nhất định ở đâu cả. Đi đến đâu cũng biến hóa khôn lường, trần gian kính phục đều tôn nàng là Tiên Chúa. Có khi giả làm gái đẹp thổi tiêu dưới ánh trăng có khi hóa làm bà già tựa gậy trúc ở bên đường. Hoặc bán hàng ở lưng đèo hoặc chơi chùa vãn cảnh. Người nào thả lời bỡn cợt giở thói trăng hoa thì bị bà trừng trị, gây cho tai vạ. Người nào gặp nạn cầu khẩn thì được bà giúp đỡ gia ơn. Nhiều chuyện lạ của tiên chúa được nhân dân truyền tụng.
Một lần tiên chúa hoá phép thành một cô hàng nước xinh đẹp bán ở đèo Ngang. Hoàng tử đi quá ve vãn không được, toan dùng sức mạnh. Tiên chúa dùng phép làm cho chàng sợ hãi, trở nên điên loạn mất trí. Nhà vua thương con, sai quân lính đến phá hủy ngôi hàng bị Tiên chúa đánh cho thảm hại. Vua cầu đến đức Phật bắt nàng về, toan trị tội thì nàng đem đạo lý ra cãi lại, đòi nhà vua không nên dung túng cho con cái về tội làm điều xằng bậy. Vua phải chấp nhận và hứa sẽ sắc phong, chỉ khuyên Tiên chúa không nên quá khắc nghiệt. Từ đó, Tiên chúa cũng có phần rộng lượng hơn với những kẻ vô tình phạm tội lần đầu.
Một lần khác, lại có một ông vua đi qua làng Tiên Hương nghỉ lại ở một cái quán dọc đường. Quán này cũng do Tiên Chúa lập nên. Nhà vua biết chuyện tỏ ra có lễ độ. Sáng mai thức dậy nhà vua thấy đôi giày cũ của mình được thay bằng đôi hài mới. Vua rất kính phục làm lễ tạ và cho lập phủ phụng thờ, gọi là Phủ Giày. Hội Phủ Giày có từ đó.
Tiên chúa vẫn ngao du khắp nơi. Có lần lên Lạng Sơn, đón đường sứ bộ do Phùng Khắc Khoan cầm đầu, đề thơ hẹn gặp. Sau Tiên Chúa lại hóa phép hiển linh ở Hồ Tây, Phùng Khắc Khoan cùng với mấy bạn thơ là ông Ngô, ông Lý cũng gặp Tiên chúa ở đây.