Sau một đêm, tuyết đã rơi ngập trắng con đường nhỏ dẫn từ làng Uvanropka đến trường phổ thông, chỉ có những bóng cây mờ giúp người ta có thể xác định hướng đi.
Cô giáo cẩn thận xỏ chân vào đôi ủng lông xinh xắn, ấn chặt chân phòng khi bị trượt. Đường tới trường chỉ khoảng nửa cây số nên cô khoác áo lông ngắn và quấn khăn len mỏng.
Trời lạnh buốt, lại có gió nên những bông tuyết rơi từ cành cây xuống phủ trắng cả người cô từ đầu đến chân. Với cô giáo 24 tuổi này, tất cả những điều đó thật thú vị. Cô thấy vui vui khi cái lạnh lướt qua mũi và đôi má, khi những ngọn gió luồn qua chiếc áo choàng chạm vào người. Ngoảnh đầu lại, cô thấy rõ những vết ủng in trên tuyết y như vết chân của những con thú để lại.
Không khí trong lành của buổi sáng tháng giêng đánh thức những ý nghĩ vui vẻ của cô về bản thân và cuộc đời. Mới hai năm kể từ khi rời ghế trường đại học tới đây nhận công tác nhưng cô đã có tiếng là một giáo viên văn giỏi, có kinh nghiệm. Khắp vùng Uvanropka, Kud mina, Chonui, Lara, ở công trường hay nhà máy, đâu đâu mọi người cũng biết và gọi cô một cách trân trọng là An na Vaxiliepna.
Mặt trời xuyên qua những hàng cây phía xa tạo thành những cái bóng trải dài trên nền tuyết. Những cái bóng kéo mọi vật xích lại gần nhau: bóng tháp chuông nhà thờ đổ ngay xuống bậc thềm văn phòng ủy ban xã Uvanropka, những bóng thông ở bờ bên kia sông đổ sát những cây bờ bên này, bóng cái phong vũ biểu của trường nằm giữa sân, chạm ngay vào chân cô An na Vaxiliepna.
Một người đàn ông đi ngược chiều với cô giáo “Làm thế nào nếu ông ấy không nhường đường cho mình nhỉ” – cô Anna hơi lo lắng tự nhủ. Trên con đường mòn chật hẹp này, chỉ cần sểnh chân là lún ngay xuống tuyết, dù cô biết không ai quanh vùng này lại không nhường đường cho cô. Hai người giáp mặt nhau, người đàn ông là Phorolop, một công nhân lâm trường.
– Chào cô, cô An na Vaxiliepna! Phorolop nhấc chiếc mũ lộ ra mái tóc cắt tỉa gọn gàng
– Chào anh! Anh đội mũ vào thôi, trời lạnh quá!
Chắc chắn là Phorolop cũng muốn nhanh chóng chụp mũ lên đầu – nhưng lại cố tình lưỡng lự – để tỏ ra không hề sợ cái lạnh thấu xương. Chiếc khoác áo ngắn ôm sát lấy cơ thể cân đối rắn chắc của Phorolop, tay anh cầm một cành cây nhỏ mềm mại như con rắn đập vào đôi ủng dưới chân.
– Cháu Li ô sa nhà tôi có ngoan không, cô không chiều nó quá đấy chứ?- Phơrôlôp hỏi một cách lịch sự.
– Tất nhiên cháu được chiều. Tất cả trẻ em ngoan đều được chiều mà. Chỉ cốt sao cho chúng không vô kỷ luật. Cô An na trả lời theo kiểu của một nhà sư phạm có kinh nghiệm.
Phorolop khoát tay:
– Thằng Li ô sa nhà tôi hiền lắm, cháu nó giống bố mà!
Anh ta tránh đường, chân thụt sâu xuống tuyết, tuyết cao đến gối nên lúc này Phorolop chỉ ngang với một học sinh lớp năm, An na khiêm nhường cúi chào và tiếp tục đến trường.
Trường là một ngôi nhà hai tầng với những ô cửa sổ rộng phủ đầy tuyết, nằm ngay cạnh đường quốc lộ, phía sau một gò đất cao. Tuyết ngập đường ánh lên mầu đỏ phản chiếu mầu tường của trường.
Trường được xây trên đường đến làng Ivanropka là nơi theo học của mọi trẻ em trong vùng: trẻ em đến từ các làng nhỏ, trại nuôi ngựa, khi nhà nghỉ của công nhân dầu khí, khu mỏ khai thác than bùn. Từ hai đầu của đường quốc lộ đổ về những chiếc mũ xinh xắn, mũ nồi, mũ lông, những chiếc khăn sặc sỡ, …
– Chào cô, cô An na Vaxiliepna! Cứ mỗi giây lại vang lên một câu chào bằng chất giọng trong trẻo rõ ràng hoặc giọng khe khẽ lọt ra từ tấm khăn kín mít chỉ hở đôi mắt.
Cô An na có giờ đầu ở lớp 5A. Khi hồi chuông đầu giờ chưa kết thúc, cô đã bước vào lớp, cả lớp đứng dậy chào cô rồi ai nấy ngồi vào chỗ của mình. Tiếng ồn chưa lắng xuống ngay, đứa đập bàn, đứa xô ghế, đứa thở dài tiếc nuối giờ chơi đầu buổi sáng.
– Hôm nay chúng ta tiếp tục học từ loại.
Cả lớp im phăng phắc, thậm chí nghe rõ cả tiếng rít của bánh xe tải vọng đến từ đường quốc lộ.
Cô An na bỗng nhớ đến tâm trạng hồi hộp cô đã trải qua trước giờ học năm ngoái, giống như cô bé trước phòng thi, cô phải tự lẩm nhẩm “Danh từ là một loại từ… danh từ là một loại từ…”. Cô nhớ cả cảm giác sợ hãi rất nực cười trước câu hỏi “Nhỡ các em học sinh không hiểu thì sao?”.
Cô mỉm cười vì những hồi tưởng của mình, sửa lại chiếc trâm cài trên tóc, bình tâm trở lại và bắt đầu bằng giọng nói tự tin:
– Danh từ là những từ chỉ hiện tượng, sự vật. Trong ngữ pháp đó là những từ trả lời câu hỏi ‘ ai’ hay ‘cái gì’. Ví dụ Ai? Học sinh hoặc Cái gì? Quyển sách…
– Thưa cô …
Đứng giữa cánh của mở hé là một chú bé nhỏ nhắn đi đôi ủng cũ nát dính đầy tuyết, khuôn mặt tròn ửng đỏ vì lạnh như trát một lớp súp củ cải đỏ, còn hàng lông mày lại trắng toát sau lớp tuyết phủ.
– Xa vút skin, em lại đi muộn à? – Như hầu hết các giáo viên trẻ, cô Anna muốn tỏ ra nghiêm nghị, nhưng giọng cô lại đầy vẻ cảm thông.
Xavutskin hiểu câu hỏi của cô hàm ý cho phép vào lớp nên cậu bé chạy ngay vào chỗ, Cô Anna quan sát thấy cậu vé vừa nhét chiếc túi vải lanh vào ngăn bàn vừa hỏi bạn bên cạnh về bài giảng, nhưng không hề quay ngang.
– Các em có hiểu không? Cô hỏi cả lớp
– Hiểu ạ! … hiểu ạ…! Lũ học trò đồng thanh trả lời
– Tốt,vậy các em lấy ví dụ nhé!
Sau mấy giây yên ắng, bỗng có giọng lưỡng lự vang lên
– Con mèo.
– Đúng – Cô Anna khẳng định và ngay lập tức nhớ lại năm ngoái danh từ đầu tiên cũng là ‘’Con mèo’’.
Ngay lập tức cả lớp rào rào:
– Cửa sổ! Cái bàn! Ngôi nhà! Con đường!
– Tất cả đều đúng. Cả lớp sôi động hẳn lên. Cô Anna ngạc nhiên khi thấy lũ trẻ vui mừng gọi tên những vật quen thuộc mà như phát hiện ra một điều mới mẻ, đầy ý nghĩa. Phạm vi các ví dụ được nới rộng ra, đến một số vật quen thuộc như: bánh xe, máy kéo, máy cưa…
Chú bé Vaxia ngồi bàn cuối nói nhỏ nhẹ nhưng đầy tự tin:
– Hoa cẩm chướng… hoa cẩm chướng… hoa cẩm chướng
Một học sinh khác nói ngập ngừng:
– Thành phố.
– Thành phố – đúng lắm. Cô Anna động viên.
Các ví dụ lại tuôn ra tới tấp:
– Phố… Tàu điện ngầm… Tàu điện… Rạp chiếu phim
– Đầy đủ rồi – Cô Anna Vaxiliepna nói – Cô thấy các em đã hiểu bài.
Cả lớp miễn cưỡng im lặng,chỉ riêng chú bé Vaxia mập mạp vẫn lẩm nhẩm danh từ ‘’hoa cẩm chướng” của mình. Bỗng nhiên như sực tỉnh, Xavutskin nhổm hẳn dậy và nói dõng dạc:
– Cây sồi mùa đông.
Cả lớp ồ lên cười
– Trật tự.. Cô Anna đập tay xuống bàn
– Cây sồi mùa đông – Xavutskin nhắc lại mà không hề quan tâm đến tiếng cười nhạo của bạn bè lẫn lời cô giáo. Chú bé không nêu ra ví dụ như các bạn của mình. Từ này được thốt ra từ đáy lòng, là sự bộc lộ về một hạnh phúc mà chú không thể kiềm giữ trong tim.
Không thể hiểu được sự xúc động kỳ lạ của Xavutskin,cô Anna cố kìm nén sự thất vọng hỏi lại:
– Tại sao lại có thêm “mùa đông”? Chỉ cây sồi là đủ rồi
– Chỉ cây sồi thì không đáng kể! “Cây sồi mùa đông” mới đáng là một danh từ.
– Ngồi xuống, Xavutskin – Đó, kết quả của việc đi muộn. ‘’Cây sồi’’ là danh từ, còn ‘’mùa đông’’ là loại từ ta chưa học. Giờ ra chơi em đến phòng giáo viên gặp riêng cô.
– Phần thưởng cây sồi mùa đông cho cậu đấy – Chú bé ngồi bàn sau cười khì khì trêu Xavutskin.
Xavutskinngồi xuống mỉm cười với những ý nghĩ riêng tư mà chẳng hề tỏ ra nao núng với những lời cảnh cáo của cô giáo. ‘’Một học sinh bướng bỉnh’’ – Cô Anna thầm nghĩ.
Giờ học tiếp tục.
– Em ngồi xuống đi. Cô Anna nói khi Xavutskinbước vào phòng giáo viên. Chú bé vui vẻ thả mình vào chiếc ghế đệm và lắc lư trong ghế.
– Hãy thành thật nói cho cô biết tại sao em lại chuyên đi học muộn thế?
– Em thực sự không biết, thưa cô Anna Vaxiliepna – Chú bé khoát tay kiểu rất người lớn. Em đã để cả tiếng để đi học.
Khó lòng mà tìm ra sự thật trong cái việc ngớ ngẩn này. Rất nhiều học sinh khác ở xa hơn Xavutskinnhưng chẳng em nào mất quá một tiếng để đến trường.
– Em ở khu Kud-min à?
– Không ạ, em ở khu nghỉ dưỡng.
– Em không xấu hổ khi nói với cô là đi mất một tiếng đến trường à? Từ khu nhà nghỉ dưỡng ra đến đường nhựa mất 15 phút, từ đường nhựa tới trường chưa đến nửa tiếng.
– Em không đi đường nhựa ạ. Em đi trộm xuyên qua rừng ạ. Xavutskintrả lời với vẻ đầy ngạc nhiên về chuyện đó.
– Đi tắt chứ không phải đi trộm – Cô Anna sửa lại câu nói theo thói quen nghề nghiệp. Cô cảm thấy lúng túng và hơi buồn khi đối mặt với sự dối trá của lũ trẻ. Cô im lặng hy vọng Xavutskinsẽ nói : ‘’Xin lỗi cô Anna Vaxiliepna, em mải chơi ném tuyết với các bạn ạ!’’ hoặc là một câu gì đó đơn giản, không co chút láu cá nào. Tuy nhiên cậu học trò lại chỉ nhìn cô bằng đôi mắt to màu xám dường như muốn nói ‘’Mọi điều đều rõ ràng rồi,cô còn muốn căn vặn gì nữa không?’’
– Đáng buồn, Xavutskin, thật đáng buồn! Cô buộc phải trao đổi với cha mẹ em thôi.
– Thưa cô Anna,em chỉ có mẹ thôi ạ! – Xavutskintrả lời cô.
Cô Anna Vaxiliepna hơi đỏ mặt. Cô nhớ ra mẹ của cậu học sinh, người mà chú bé gọi là ‘’hộ lý tâm hồn’’. Bà ấy làm ở khu điều dưỡng trị liệu bằng nước khoáng. Bà là một phụ nữ gầy gò, mệt mỏi với đôi tay nhợt nhạt do luôn phải ngâm nước nóng – một đôi tay bợt toét ra. Một bà mẹ đơn thân vì chồng đã hi sinh trong chiến tranh vệ quốc phải nuôi dạy ba đứa trẻ nữa ngoài cậu học sinh lớp năm này.
Chắc mẹ của Xavutskinkhông thiếu gì rắc rối. Nhưng dù sao cô vẫn muốn gặp mẹ cậu bé.
– Cô buộc phải gặp mẹ em thôi.
– Mời cô đến chơi, cô Anna Vaxiliepna, chắc mẹ em sẽ vui lắm.
– Rất tiếc, cô sợ sẽ không đem lại điều gì vui cho mẹ em. Mẹ em làm ca sáng à?
– Không, mẹ em làm ca chiều, từ ba giờ chiều.
– Thế thì tốt! Cô hết tiết lúc hai giờ, sau giờ học em đi về cùng cô nhé.
Con đường mòn mà Xavutskindẫn cô Anna đi nằm ngay sau sân trường. Khi cả hai vừa bước chân vào cửa rừng, những cành thông trĩu nặng tuyết như sà vào lưng họ, đưa họ vào một thế giới huyền ảo bình lặng. Những chú chim ác là và quạ đen chuyền từ cành này sang cành khác làm lay động những khóm cây, rung rinh những quả thông, thi thoảng chúng đập cánh làm rơi những nhánh cây khô mỏng manh. Cả không gian tĩnh lặng.
Khắp nơi chỉ toàn một màu trắng. Tít trên cao, những cành bạch dương trơ trụi, thâm đen, khẳng khiu như in lên nền xanh của bầu trời. Con đường mòn chạy dọc theo con suối lúc thẳng, lúc uốn lượn.
Thỉnh thoảng có những khoảng rừng thưa rực rỡ ánh mặt trời hằn in những vết chân thỏ như những bước chân nhỏ rón rén. Một vài nơi có dấu vết của các loài thú lớn mất hút vào trong rừng.
Một con nai vừa đi qua – Xavutskinmừng rỡ như nói về một người bạn quen khi thấy cô Anna quan tâm đến những vết chân. Cô đừng sợ. – Chú bé tiếp lời khi nhìn thấy cô giáo dõi theo vết chân thú vào rừng. Nai là con vật rất lành.
– Em đã thấy nai chưa? Cô giáo hỏi một cách tò mò.
– Một con nai, một con nai sống?- Xavutskinthở dài- Chưa ạ. Nhưng dấu vết của nó thì em biết.
– Cái gì?
– Dấu chân ạ! – Chú bé bẽn lẽn trả lời.
Con đường xuyên qua một đám cây rậm, sau lại nối với con suối. Một vài chỗ băng đóng cứng trên mặt suối, nhưng vài chỗ khác chỉ có một lớp băng mỏng, trong suốt như có thể nhìn thấy những con mắt tinh quái lấp mình dưới dòng nước.
– Tại sao cả dòng suối không bị đóng băng? Cô Anna hỏi.
– Vì chỗ đó có mạch nước nóng, cô có thấy nước phun không.
Cô ghé mắt nhìn xuống con suối và thấy những tia nước mong mang đang phun lên từ lòng suối đến gần mặt băng nó tỏa bọt trắng li ti trông như những bông lan đất.
– Những mạch nước nóng nhiều vô kể! – Xavutskinhào hứng giải thích – Dưới mặt băng dòng suối vẫn chảy đều.
Cậu trò nhỏ gạt một đám tuyết để lộ ra một dòng nước trong vắt.
Cô Anna ngắm nhìn đám tuyết rơi xuống nước không bị tan ra mà kết lại thành những mảng băng cứng. Cô bị cuốn hút vào đám tuyết, lấy mũi giày gạt những tảng tuyết xuống nước và vui thích khi thấy những tảng tuyết tạo ra những hình thù đẹp mắt. Cô thú vị với trò chơi mới và không để ý là Xavutskinđã đi cách cô một đoạn xa và đang dừng lại chờ, tựa lưng vào một cái cây bên bờ suối. Cô Anna đuổi kịp Xavutskin. Đoạn suối có mạch nước nóng tiếp với một đoạn suối đóng cứng dưới mặt băng. Bóng cây in lung linh trêm mặt băng.
– Xem kìa, băng mỏng tới mức nhìn thấy nước chảy ở dưới!
– Không đâu, cô Anna! Đấy là bóng của em đập cái cành.
Cô Anna chẳng biết nói sao,ở đây,trong rừng này cô nên im lặng thì hơn.
Xavutskinlại đi phía trước cô giáo,vừa đi vừa ngó nghiêng tìm kiếm.
Rừng mỗi lúc lại cuốn hút họ thêm. Dường như những hàng cây, những đụn tuyết, ánh chiều tà, sự im lặng là vô tận. Bỗng nhiên phía xa xa trước mặt một tia sáng xanh lóe lên. Một khoảng rừng thưa hiện ra, một khoảng trống thoáng đãng, trong lành. Không phải một tia sáng mà là một luồng ánh sáng rực rỡ xuất hiện ngay phía trước, lấp lánh, lung linh, huyền ảo.
Con đường mòn bị chắn bằng bụi cây hồ đào, từ đó rừng chia ra nhiều ngả : ngự tri giữa khoảng trống rộng là một cây cổ thụ vĩ đại choàng một tấm khăn trắng lớn lấp lánh – một cây sồi. Dường như tất cả cây cối xung quanh đều lùi xa để nhường chỗ cho người anh em to lớn của mình thỏa sức vươn rộng. Những tán lá thấp của cây sồi che kín mặt đất trống. Tuyết lấp đầy những kẽ nứt trên thân cây. Dọc theo thân cây to bằng ba người ôm, tuyết tạo nên những sợi bạc kéo dài. Đám lá đã khô héo từ cuối thu vẫn chưa rụng hết tạo nên những cái đĩa đựng tuyết.
– Thưa cô, nó đấy, cây sồi mùa đông!
Cô Anna ngập ngừng bước đến sát cây sồi và người khổng lồ của cánh rừng rung rinh cành lá vẫy chào cô.
Không quan tâm đến những gì tác động đến cô giáo, Xavutskintất bật quanh gốc cây như đang truyện trò với một người bạn cũ.
– Cô Anna Vaxiliepna, cô nhìn xem!…
Cậu bé cố hết sức đẩy tảng băng lấp kín hố đất nhão nhoét mùn lá cây. Trong hốc một quả bóng tròn cuốn trong một lớp lá. Xuyên qua lớp lá là những cái gai nhọn. Cô Anna đoán đó là một chú nhím.
Nó ẩn mình thế đấy! – Xavutskin thận trọng lấp lá lên con nhím. Sau đó chú bé lại bới tuyết ở một hốc khác. Một cái hang nhỏ mịn như nhung. Trong hốc có một chú ếch nâu, trông không khác gì một thứ đồ chơi làm bằng bìa cát tông, nó gầy đét chỉ có da bọc xương. Xavutskinchạm vào nó nhưng nó chẳng hề động đậy.
– Nó giả chết! Xavutskincười vang – Chỉ cần trời ấm lên là nó nhảy chồm chồm ngay.
Cậu học sinh tiếp tục đưa cô vào thế giới nhỏ bé của nó. Dưới gốc cây sồi là nơi cư ngụ của các loại cư dân như: lũ bọ hung, thằn lằn, giun dế. một số con vùi mình vào gốc cây, một số khác lại giấu mình vào những khe nứt. Nhìn thoáng qua có vẻ thân cây rỗng, vậy mà vô số loài đã trú đông nơi đây. Một cái cây khỏe mạnh,tràn đầy nhựa sống đã sản sinh biết bao năng lượng, để những sinh vật nhỏ bé yếu đuối có thể tìm được nơi trú chân tuyệt nhất. Cô Anna Vaxiliepna đang vui sướng khám phá cuộc sống bí ẩn của khu rừng đột nhiên nghe thấy giọng nói đầy lo lắng của Xavutskin.
– Ôi, chúng ta không kịp gặp mẹ rồi!
Cô Anna Vaxiliepna vội vàng đưa đòng hồ lên xem, – đã 3 giờ 15. Cô cảm giác vừa rơi vào một mê cung. Cô thầm xin lỗi cây sồi về sự láu cá nho nhỏ của mình và nói :
– Thôi vậy Xavutskin, điều này có nghĩa là con đường ngắn nhất chưa chắc đã nhanh nhất. Em phải đi bằng đường nhựa thôi.
Xavutskinnín lặng,chỉ cúi nhìn xuống đất. Cô Anna cảm thấy nhói trong tim.
– Này Xavutskin,cảm ơn em về cuộc dạo chơi. Cô chỉ đùa thôi, em có thể đi đường tắt qua rừng.
– Cảm ơn cô Anna Vaxiliepna!
Xavutskinđỏ mặt,nó rất muốn hứa với cô là sẽ không bao giờ đi học muộn nữa,nhưng nó sợ sẽ thất hứa. Chú bé kéo cao cổ áo khoác và ấn sâu chiếc mũ xuống.
– Em tiễn cô..
– Không cần đâu, Xavutskin. Cô tự về được.
Chú bé lưỡng lự nhìn cô giáo, cúi xuống nhặt một cành cây, bẻ cong đầu cành rồi đưa cho cô Anna
– Nếu có chú nai nào xồ ra,cô chỉ cần đập vào lưng nó,nó sẽ nhường đường cho cô. Tốt hơn là cô khua gậy xua nó đi.Nếu sợ quá nó sẽ bỏ rừng đi mất.
– Yên tâm, Xavutskin! cô không đánh nó đâu.
Đi một đoạn, cô Anna ngoái nhìn lần cuối cây sồi ánh lên màu trắng hồng trong ánh chiều tà và cô thấy bóng chú học trò nhỏ bên gốc cây: Xavutskinvẫn chưa đi, chú bé vẫn dõi theo để bảo vệ cô giáo của mình. Bỗng nhiên cô Anna ngộ ra một điều: sự hấp dẫn nhất của cánh rừng không phải là cây sồi mùa đông mà là cậu học sinh nhỏ bé đi đôi ủng cũ nát, mặc bộ quần áo giản dị nhưng sạch sẽ – con trai của một người lính đã hi sinh vì tổ quốc và một người mẹ, “hộ lý tâm hồn”, một công dân tuyệt vời đầy bí ẩn của tương lai.
Cô đưa tay vẫy Xavutskinvà lặng lẽ đi tiếp theo con đường mòn.